Đào tạo mới Kế toán - Tài chính và Tài chính - Kế toán: Hướng đi mới và cần thiết

Trong khi doanh nghiệp loay hoay với bài toán nhu cầu công việc và nhân lực đáp ứng hai mảng nhiệm vụ Kế toán và Tài chính, hai ngành Kế toán - Tài chính và Tài chính - Kế toán được mở tại Đại học Đông Á từ năm 2013 đã mở ra hướng giải quyết hiệu quả cho doanh nghiệp đồng thời đem lại cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên.

Đồng cảm với doanh nghiệp

Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình kinh tế vẫn sẽ còn ảm đạm kéo dài. Nhu cầu nhân lực, trong đó có tài chính, cũng theo đó trở nên dư thừa, ít nhất trong 4 -5 năm tới. Tại các doanh nghiệp, công tác Tài chính Kế toán phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc xử lý, thống kê số liệu đáp ứng cho nhu cầu hiện tại mà chưa chú trọng đến quản trị tài chính – thành tố góp phần quyết định con đường phát triển, tương lai của doanh nghiệp. Trong những năm qua, do khó khăn về nguồn nhân lực buộc doanh nghiệp phải ưu tiên tuyển dụng con người cho những vị trí hiện tại, phục vụ yêu cầu trước mắt.

Trong khi đó, trong một tổ chức, kế toán và tài chính được ví như sợi chỉ xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp, nối kết hiện tại và tương lai. Chuyên viên kế toán thiên về tư duy cụ thể, làm theo kế hoạch còn chuyên viên tài chính lại có tư duy mở, hoạch định tương lai tài chính cho doanh nghiệp. Thực tế trong giảng dạy và công việc phân định rõ ranh giới kế toán và tài chính cũng bắt nguồn từ chính tư duy xung đột vốn có trong con người được đào tạo quá riêng biệt giữa 2 vùng kiến thức nầy, mặc dầu các chủ doanh nghiệp luôn cần cả hai, nhất là một người làm kế toán nhưng am hiểu về tài chính và ngược lại.

Tại các hội thảo, các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp tại Đà Nẵng và miền Trung, các doanh nghiệp thường chia sẻ mong muốn tuyển dụng 1 vị trí nhưng am hiểu cả hai vùng kiến thức, vừa tiết kiệm được chi phí vừa đảm vào tính xuyên suốt trong nghiệp vụ thay vì phải tuyển dụng cả hai vị trí vừa lãng phí vừa không kết nối với nhau bởi tư duy của 2 vùng kiến thức nầy làm cho hai người khó kết nối như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp. Đà Nẵng, thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với các doanh nghiệp. Đồng thời, là Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Á, bà ấp ủ ý tưởng xây dựng ngành học tích hợp giữa chuyên môn sâu kế toán với chuyên môn sâu tài chính và ngược lại nhằm giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và tăng tính hữu dụng trong tạo việc làm cho đông đảo sinh viên mà chưa trường nào đào tạo.

Đến nay, khi điều kiện đã chín muồi, nhất là sự kết hợp của các Tiến sĩ đầu ngành Kế toán và Tài chính trong chương trình đào tạo, Đại học Đông Á chính thức tuyển sinh và đào tạo hai chuyên ngành mới Tài chính – Kế toán và Kế toán – Tài chính.

Vai trò của ngành đào tạo mới:
  • Giải quyết nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp (một vị trí có thể làm 2 việc Tài chính và Kế toán)
  • Nhiều cơ hội việc làm hơn cho SV
  • Đáp ứng nhu cầu tất yếu trong công tác quản trị tài chính của doanh nghiệp.
  • Sinh viên có cơ hội nhận được 2 bằng, có thể chọn chuyên ngành Tài chính hoặc Kế toán để hoàn thành bậc học cao hơn.
  • Hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai đa dạng với vị trí Kế toán trưởng hoặc Giám đốc Tài chính.

Hướng đi mới cho tương lai

Theo đó, trong 120 tín chỉ (TC) toàn khóa, sinh viên sẽ được học 17 học phần chuyên sâu (51 TC). Mỗi học phần này được thiết kế gồm 1 TC lý thuyết và 2 TC thực hành.

Sinh viên được học tập trên mô hình ảo để tự vạch ra chiến lược và đánh giá, tổng kết tài chính doanh nghiệp.

Đồng thời, sinh viên được trải nghiệm công việc thực tế về tài chính, kế toán tại công ty (ít nhất 1 học kỳ), được doanh nghiệp trả lương và hưởng các ưu đãi khác.

Để đảm bảo chương trình theo hướng chú trọng thực nghiệm, lấy thực hành làm trọng tâm, nhà trường tăng cường các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp. Theo thỏa thuận, Đại học Đông Á sẽ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc và tổ chức các hội thảo cho doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp sẽ tham gia góp ý chương trình đào tạo, sẵn sàng tiếp nhận sinh viên Đông Á đến tham quan, tiếp cận công việc, thực tập và ưu tiên tuyển dụng nhân sự.

Như vậy, với 2 chuyên ngành mới Tài chính – Kế toán và Kế toán – Tài chính, thí sinh có thêm nhiều lựa chọn cho nghề nghiệp tương lai cũng như chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

Phi Chương