Quyết toán thuế TNDN 2018 hướng dẫn mới nhất từ Tổng Cục Thuế

Quyết toán thuế TNDN là công việc mà kế toán thuế bắt buộc phải làm khi kết thúc năm tài chính. Hàng quý doanh nghiệp phải tạm tính ra số tiền thuế TNDN tạm nộp rồi cuối năm thực hiện quyết toán lại xem cả năm đó doanh nghiệp có phải nộp thuế hay không?

  • Nếu số đã tạm nộp 4 quý mà nhiều hơn khi quyết toán => DN đã nộp thừa tiền thuế => Số thuế nộp thừa này có thể bù trừ sang kỳ sau hoặc làm thủ tục hoàn thuế.
  • Nếu số tạm nộp 4 quý mà ít hơn khi quyết toán => DN nộp thiếu tiền thuế TNDN => DN phải Nộp thêm phần tiền thuế thiếu đó (và có thể bị tính tiền chậm nộp nếu chênh từ 20% số quyết toán so với số tạm tính).

Bài này gồm 2 phần: hướng dẫn quyết toán thuế TNDN trên phần mềm HTKK và các quy định hiện hành, văn bản, hướng dẫn mới nhất từ tổng cục thuế áp dụng cho việc quyết toán.

Trước hết, Dân Tài Chính sẽ hướng dẫn các bạn lập tờ khai quyết toán thuế TNDN trên HTKK theo Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC (Sửa đổi Điều 12, Thông tư số 156/2013/TT-BTC)

Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo 151/2014/TT-BTC.

Chúng ta sẽ thực hiện làm tờ khai quyết toán trên phần mềm HTKK:

Các bạn mở PM HTKK, Chọn: “Thuế Thu Nhập Doanh Nhiệp”, chọn “Quyết toán TNDN năm (03/TNDN)” Phần mềm sẽ hiện thị ra Bảng “Chọn kỳ tính thuế”

Các bạn tiến hành chọn:

  • Năm quyết toán.
  • Chọn phụ lục kê khai: chúng ta cần chọn 2 phụ lục cơ bản dành cho ngành sx kd thông thường là:
    • 03-1A/TNDN: Kết quả hoạt động sản kinh doanh.
    • 03-2A/TNDN: Chuyển lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

(Chọn 03-2A khi năm nay DN lãi và có số lỗ của các năm trước được chuyển)

Chọn xong các bạn ấn “Đồng ý” phần mềm sẽ xuất hiện giao diện của tờ khai quyết toán như sau:

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Hoàn thiện Phụ lục 03-1A/TNDN trước để phần mềm tự động tổng hợp số liệu lên chỉ tiêu A1 trên tờ khai quyết toán.

Bước 2: Làm tờ khai quyết toán 03/TNDN:

1. Điều chỉnh tăng giảm tổng lợi nhuận trước thuế ở các chỉ tiêu từ B1 – B14 (Nếu có) – Quan tâm nhất đến chỉ tiêu B4 – Các khoản chi phí không được trừ.

2. Xác định thu nhập tính thuế tại chỉ tiêu C4: âm hay dương

  • Nếu C4 âm (giá trị xuất hiện trong ngoặc đơn) => Năm nay DN không phải nộp thuế. Chúng ta chỉ cần quan tâm thêm chỉ tiêu [E1] – Thuế TNDN của hoạt động sản xuất kinh doanh – Đã Tạm Nộp trong Năm – Nếu trong năm ở các quý các bạn đã tạm tính ra số tiền phải nộp và các bạn đã mang số tiền đó đi nộp thì các bạn đưa số tiền đó vào E1 là xong.
  • Nếu C4 dương: có thu nhập tính thuế dương thì:
    • Nếu các năm trước DN các bạn có số lỗ chưa chuyển hết (5 năm gần nhất) các bạn thực hiện Chuyển lỗ – Việc chuyển lỗ được thực hiện thông qua Phụ lục 03-2A/TNDN để đưa số liệu lên chỉ tiêu C3.
    • Nếu không có số lỗ được chuyển hoặc chuyển lỗ xong mà các bạn vẫn có lãi tức là C4 vẫn dương thì chúng ta đưa giá trị dương ở C4
  • Thu nhập tính thuế đó vào C7/C8/C9 theo mức thuế suất mà công ty các bạn áp dụng => là ra số tiền thuế TNDN mà các bạn phải nộp xuất hiện tại chỉ tiêu G. Sau đó các bạn hoàn thiện nốt chỉ tiêu E1 nữa là xong. (ngoài ra quan tâm đến chỉ tiêu H và I),

Quy định hiện hành về quyết toán thuế TNDN:

Ngày 3/3/2017, Tổng cục Thuế đã ban hành hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN), hỗ trợ cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc quyết toán thuế TNDN, TNCN năm 2016 2017. Cho đến thời điểm hiện tại, hướng dẫn này vẫn là hướng dẫn mới nhất cho kỳ quyết toán thuế TNDN 2017, mình sẽ theo dõi cập nhật quy định mới nhất từ Tổng cục thuế ngay khi có thông tin.

Với quyết toán thuế TNDN, hướng dẫn của Tổng cục Thuế tập trung vào các nội dung: Các căn cứ pháp lý để xác định số thuế TNDN phải nộp khi quyết toán thuế TNDN năm 2016; Những lưu ý quan trọng khi quyết toán thuế TNDN năm 2016; Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2016.

I. Các căn cứ pháp lý để xác định số thuế TNDN phải nộp khi quyết toán thuế TNDN năm 2016 như sau

1. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009, được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật số 32/2013/QH13 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015.

2. Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ.

3. Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính, được sửa đổi, bổ sung bởi: Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014; Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014; Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.

II. Một số lưu ý khi quyết toán thuế TNDN năm 2017

Ngày 24/6/2015, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 2512 /TCT – CS gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươnggiới thiệu nội dung mới của Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính. Thông tư số 96/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2015 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN từ năm 2015 trở đi. Trong năm 2016, về cơ bản Chính phủ và Bộ Tài chính không ban hành văn bản pháp quy mới sửa đổi, bổ sung về thuế TNDN. Vì vậy, các chính sách và quy định được tiếp tục thực hiện khi quyết toán thuế TNDN cho kỳ tính thuế 2016.

Ngoài ra, trong năm 2016 vừa qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ban hành một số văn bản hướng dẫn liên quan đến thuế TNDN. Do đó, bên cạnh các nội dung đã được quy định tại văn bản pháp quy về thuế TNDN thì doanh nghiệp cần lưu ý thêm một số nội dung khi thực hiện quyết toán thuế TNDN năm 2016 như sau:

1. Điều chỉnh điều kiện xác định khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với khoản chi có hoá đơn mua HH, DV từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.

Thông tư số 173/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2016. Thực hiện quy định tại Thông tư số 173/2016/TT-BTC thì kể từ 15/12/2016 đã bỏ quy định “chứng từ thanh toán qua ngân hàng được chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế.”

Trường hợp trước ngày 15/12/2016 nếu tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán là tài khoản chưa đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế nhưng xác định được giao dịch mua bán hàng hóa giữa người mua và người bán là có thật; hóa đơn do người bán xuất cho người mua là hóa đơn hợp pháp; bên bán có khai thuế theo quy định thì người mua tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng các điều kiện khác về tính vào chi phí được trừ theo quy định.

2. Chi phí khấu hao tài sản cố định

Chi khấu hao đối với tài sản cố định năm 2016 được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp theo chế độ quản lý tài sản cố định ban hành kèm theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 và Thông tư số 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 sửa đổi Thông tư số 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

3. Về khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

  • Khoản chi phí tư vấn thuế TNCN cho người lao động là người nước ngoài không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động do đó không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
  • Khoản chi phí tư vấn khám sức khỏe cho người lao động, Khoản chi phí mua bảo hiểm xe máy cho người lao động là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước có các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN theo quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp có trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi theo quy định thì cần phải đảm bảo nguyên tắc một khoản chi phúc lợi không hạch toán trùng từ 2 nguồn nêu trên.

4. Về việc trích lập, sử dụng và quản lý quỹ phát triển khoa học công nghệ

Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 của liên Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

5. Thuế suất thuế TNDN

Thuế suất thuế TNDN phổ thông áp dụng năm 2016 là 20%

6. Về ưu đãi thuế TNDN

6.1. Về việc chuyển sang áp dụng thuế suất ưu đãi 17% đối với các doanh nghiệp đang được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% từ năm 2016

Tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định việc sửa đổi bổ sung khoản 2 điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về thuế TNDN thì:

“…e) Tính đến hết kỳ tính thuế năm 2015 trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư đang được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định này thì kể từ 01 tháng 01 năm 2016 được chuyển sang áp dụng thuế suất 17% cho thời gian còn lại….”

Căn cứ quy định nêu trên thì chỉ các doanh nghiệp tính đến hết kỳ tính thuế năm 2015 đang được áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 20%, đến năm 2016 đáp ứng điều kiện được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP mới được chuyển sang áp dụng thuế suất thuế TNDN 17% cho thời gian còn lại kể từ ngày 01/01/2016.

6.2. Về việc ưu đãi thuế TNDN đối với DN hoạt động chế biến nông sản, thủy sản.

  • Thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được miễn thuế TNDN.
  • Thu nhập của doanh nghiệp từ chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong suốt thời gian hoạt động;
  • Thu nhập của doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn áp dụng thuế suất 15% trong suốt thời gian hoạt động.
  • Thu nhập từ hoạt động chế biến lâm sản: Theo quy định của Luật thuế số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn về thuế TNDN quy định ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản. Do vậy trường hợp doanh nghiệp có phát sinh thu nhập từ hoạt động chế biến lâm sản (nguyên vật liệu đầu vào từ gỗ cao su, gỗ bạch đàn, gỗ thông, gỗ keo…) không thuộc các trường hợp được ưu đãi thuế TNDN theo hoạt động chế biến nông sản, thuỷ sản.

6.3. Ưu đãi thuế TNDN đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa

Ngày 22/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1470/QĐ-TTg (Quyết định số 1470) về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

  • Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa được thành lập trước ngày Quyết định số 1470 có hiệu lực thi hành:

a) Nếu cơ sở thực hiện xã hội hóa không đáp ứng điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô ban hành kèm theo Quyết định số 1466, Quyết định số 693 nhưng đáp ứng điều kiện tại Quyết định số 1470 thì thu nhập từ hoạt động xã hội hóa được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định cho thời gian còn lại kể từ ngày Quyết định số 1470 có hiệu lực thi hành (ngày 22/7/2016).

b) Nếu cơ sở thực hiện xã hội hóa đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô ban hành kèm theo Quyết định số 1466, Quyết định số 693 nhưng không đáp ứng điều kiện tại Quyết định số 1470 thì cơ sở thực hiện xã hội hóa tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định đối với thu nhập từ hoạt động xã hội hóa do đáp ứng điều kiện tại Quyết định số 1466, Quyết định số 693 cho thời gian còn lại.

  • Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa được thành lập từ ngày Quyết định số 1470 có hiệu lực thi hành:

a) Nếu cơ sở thực hiện xã hội hóa đáp ứng điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô ban hành kèm theo Quyết định số 1470 thì thu nhập từ hoạt động xã hội hóa được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định kể từ khi đáp ứng Quyết định số 1470.

b) Nếu cơ sở thực hiện xã hội hóa không đáp ứng điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô ban hành kèm theo Quyết định số 1470 thì thu nhập từ hoạt động xã hội hóa phải kê khai nộp thuế theo quy định.

Cơ sở thực hiện xã hội hóa không đáp ứng điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô ban hành kèm theo Quyết định số 1466, Quyết định số 693 và Quyết định số 1470 thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động xã hội hóa và phải kê khai nộp thuế theo quy định.

6.4. Ưu đãi thuế TNDN đối với hoạt động đầu tư mở rộng, đầu tư thường xuyên

Tại Điều 5 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính quy định: Bổ sung điểm a1 vào sau điểm a Khoản 6 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) như sau:

“a1) Đối với giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2013, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà sử dụng quỹ khấu hao cơ bản tài sản cố định của doanh nghiệp; sử dụng lợi nhuận sau thuế tái đầu tư; sử dụng vốn trong phạm vi vốn đầu tư đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đầu tư bổ sung máy móc thiết bị thường xuyên và không tăng công suất sản xuất kinh doanh theo đề án kinh doanh đã đăng ký hoặc được phê duyệt thì không phải đầu tư mở rộng”.

6.5. Về việc nộp thuế TNDN đối với các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc tại các địa phương khác đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN

Trường hợp Công ty có trụ sở chính tại tỉnh A có các nhà máy sản xuất và chế biến tại tỉnh B và tỉnh C đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì Công ty phải tính riêng số thuế TNDN từ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy tại tỉnh B và tỉnh C để kê khai nộp thuế riêng và không thực hiện phân bổ số thuế TNDN phải nộp tại các địa phương theo tỷ lệ % chi phí . Số thuế TNDN phải nộp tại các địa phương trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN được xác định trên cơ sở phần thu nhập phát sinh tương ứng tại các địa phương.

III. Về hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2016

Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2016 thực hiện như năm 2015, cụ thể: Về mẫu biểu thực hiện theo mẫu biểu quy định tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/011/2013 của Bộ Tài Chính, riêng tờ khai quyết toán thuế TNDN mẫu số 03/TNDN, 04/TNDN, các phụ lục 02/TNDN, 03-5/TNDN thực hiện theo mẫu biểu quy định tại Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của BTC.

Một số thắc mắc phổ biến về thuế thu nhập doanh nghiệp

Câu hỏi: Trong thời gian sửa chữa dây truyền này có được trích khấu hao để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong năm không? Công ty tôi có một dây truyền lắp ráp đồ điện tử, do dây truyền đã sử dụng nhiều năm chưa được bảo dưỡng. Năm 2017, để đảm bảo sản xuất các mặt hàng đạt chất lượng cao, công ty đã tạm dừng sản xuất 7 tháng để sửa chữa, bảo dưỡng dây truyền này. Xin hỏi trong thời gian sửa chữa dây truyền này có được trích khấu hao để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong năm không?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2.2, Điều 4, Thông tư số 96 năm 2015 của Bộ Tài chính thì trường hợp tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất để sửa chữa, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao đó tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Như vậy, căn cứ quy định trên thì trong thời gian Công ty bạn tạm dừng sản xuất 7 tháng để sửa chữa, bảo dưỡng dây truyền sản xuất thì vẫn được trích khấu hao theo quy định.

Câu hỏi: Chi đào tạo nghề mới cho chị em có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?

Công ty tôi là đơn vị may gia công xuất khẩu các sản phẩm may mặc cho nước ngoài nên sử dụng đến hơn 95% là lao động nữ. Thời gian gần dây, công ty chưa ký được hợp đồng với đối tác do đó dư thừa lao động. Công ty dự kiến mở thêm dây chuyền dệt thảm và cử một số chị em công nhân đi đào tạo về nghề mới này. Xin hỏi khoản chi đào tạo nghề mới này cho chị em có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?

Tại Điều 4 Thông tư số 96 năm 2015 của Bộ Tài chính có quy định các khoản chi thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ bao gồm: Chi cho công tác đào tạo lại nghề cho lao động nữ trong trường hợp nghề cũ không còn phù hợp phải chuyển đổi sang nghề khác theo quy hoạch phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, khoản chi của Công ty bạn nếu là đào tạo nghề cho lao động nữ để phát triển thêm ngành nghề mới cho Công ty thì được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Câu hỏi: Phần góp vốn mới bỏ ra để mua lại phần vốn cũ cao hơn giá trị phần vốn được ghi trên sổ sách là 500 triệu đồng. Xin hỏi giá trị chênh lệch này có phải tính thuế TNDN không?

Công ty tôi có tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới do một số thành viên bán lại phần vốn góp, số tiền thành viên góp vốn mới bỏ ra để mua lại phần vốn đó cao hơn giá trị phần vốn được ghi trên sổ sách là 500 triệu đồng. Xin hỏi giá trị chênh lệch này có phải tính thuế TNDN không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 3, Điều 5 Thông tư số 96 năm 2015 của Bộ Tài chính thì: Trường hợp doanh nghiệp thực hiện tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới theo quy định của pháp luật mà số tiền thành viên góp vốn mới bỏ ra cao hơn giá trị phần vốn góp của thành viên đó trong tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp thì khoản chênh lệch cao hơn này nếu được xác định là thuộc sở hữu của doanh nghiệp, bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh thì không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nhận vốn góp. Nếu khoản chênh lệch cao hơn này được chia cho các thành viên góp vốn cũ thì khoản chênh lệch này là thu nhập của các thành viên góp vốn cũ.

Câu hỏi: Khoản tiền học cho con của chuyên gia tại Việt Nam có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?

Công ty tôi có ký hợp đồng lao động với chuyên gia người Hà Quốc, trong năm có chi một khoản tiền học cho con của chuyên gia này để học lớp 1 tại Việt Nam. Xin hỏi, khoản chi này có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2.6, Điều 4 Thông tư số 96 năm 2015 của Bộ Tài chính thì: Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người nước ngoài trong đó có ghi khoản chi về tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông được doanh nghiệp trả có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Câu hỏi: Khoản chi tài trợ cho Trung tâm y tế của xã để mua dụng cụ y tế cho Trung tâm có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không và cần phải có hồ sơ như thế nào?

Tháng 9/2017 Công ty tôi có chi một khoản tiền tài trợ cho Trung tâm y tế của xã để mua dụng cụ y tế cho Trung tâm. Xin hỏi khoản chi này có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không và cần phải có hồ sơ như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2, điều 4, Thông tư số 96 năm 2015 của Bộ Tài chính thì khoản chi tài trợ cho y tế được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN gồm: tài trợ cho các cơ sở y tế được thành lập theo quy định pháp luật về y tế mà khoản tài trợ này không phải là để góp vốn, mua cổ phần trong các bệnh viện, trung tâm y tế đó; tài trợ thiết bị y tế, dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh, tài trợ cho các hoạt động thường xuyên của bệnh viện, trung tâm y tế; chi tài trợ bằng tiền cho người bị bệnh thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật. Hồ sơ xác định khoản tài trợ cho y tế gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của đơn vị nhận tài trợ kèm theo hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá hoặc chứng từ chi tiền.

Căn cứ vào quy định trên, khoản chi tài trợ cho Trung tâm y tế xã để mua dụng cụ y tế thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế và phải có đầy đủ hồ sơ tài trợ theo quy định nêu trên.

Câu hỏi: Khoản chi tài trợ cho Trung tâm y tế của xã để mua dụng cụ y tế cho Trung tâm có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không và cần phải có hồ sơ như thế nào?

Tháng 9/2017 Công ty tôi có chi một khoản tiền tài trợ cho Trung tâm y tế của xã để mua dụng cụ y tế cho Trung tâm. Xin hỏi khoản chi này có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không và cần phải có hồ sơ như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2, điều 4, Thông tư số 96 năm 2015 của Bộ Tài chính thì khoản chi tài trợ cho y tế được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN gồm: tài trợ cho các cơ sở y tế được thành lập theo quy định pháp luật về y tế mà khoản tài trợ này không phải là để góp vốn, mua cổ phần trong các bệnh viện, trung tâm y tế đó; tài trợ thiết bị y tế, dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh, tài trợ cho các hoạt động thường xuyên của bệnh viện, trung tâm y tế; chi tài trợ bằng tiền cho người bị bệnh thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật. Hồ sơ xác định khoản tài trợ cho y tế gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của đơn vị nhận tài trợ kèm theo hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá hoặc chứng từ chi tiền.

Căn cứ vào quy định trên, khoản chi tài trợ cho Trung tâm y tế xã để mua dụng cụ y tế thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế và phải có đầy đủ hồ sơ tài trợ theo quy định nêu trên.

Câu hỏi: Xin hỏi năm 2017, Cty tôi có chi 1 khoản chi phí tư vấn thuế TNCN cho người LĐ là người nước ngoài có được chấp nhận vào chi phí được trừ không?

Tôi được biết, theo quy định của văn bản về thuế TNDN thì các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN. Vậy, xin hỏi năm 2017 Công ty tôi có chi 1 khoản chi phí tư vấn thuế Thu nhập cá nhân cho người lao động là người nước ngoài có được chấp nhận vào chi phí được trừ không?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96 năm 2015 thì khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp. Đối với khoản chi phí tư vấn thuế Thu nhập cá nhân cho người lao động là người nước ngoài, không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động do đó không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Nguồn: Dân Tài chính