[Bài dịch]: Những phương pháp sử dụng chính sách kế toán để quản trị lợi nhuận

Việc kế toán sử dụng các kiến thức về các nguyên tắc, chuẩn mực, phương pháp kế toán, để điều chỉnh các con số được trình bày trên BCTC của một doanh nghiệp được gọi là "Kế toán sáng tạo". Tại Việt Nam, hành vi này thường được gọi là “ Quản trị lợi nhuận”. Khi nói đến hành vi này, mọi người thường nghĩ nó mang tính chất tiêu cực, nhưng điều này có thực sự đúng như vậy không?

Thực ra khái niệm này đã tồn tại từ rất lâu, và là đại dương vô tận cho những người hành nghề Kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp muốn khám phá nó một cách thực sự.

Creative Accounting là việc vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo các kỹ thuật trong kế toán, hay còn gọi là các "thủ thuật", để "biến tấu" thông tin trên báo cáo tài chính nhằm tác động đến nhận thức của người đọc BCTC.

Theo Charles W.Mulford và Eugene E.Comiskey (2002) cho rằng, Kế toán sáng tạo là sự lựa chọn có chủ ý các quy định kế toán nhằm thao túng lợi nhuận, để hướng tới mục tiêu bởi các cấp quản lý hoặc để làm lợi nhuận trở nên đẹp hơn.

Có thể hình dung Kế toán sáng tạo (Creative Accounting): bao gồm tất cả các thủ thuật từ Aggressive Accounting, Earning Mannagement, Income Smoothing:

  • Kế toán cứng (Aggressive Accounting) : Những sự lựa chọn có chủ ý các hoạt động kế toán dựa trên các nguyên lý kế toán nhằm mục đích đạt được kết quả mong muốn, dựa trên GAAP.
  • Quản lý lợi nhuận (Earning Management ) : Những thao túng lợi nhuận để hướng tới một mục tiêu đã được trước được thực hiện bởi các cấp quản lý và các nhà phân tích của công ty, hoặc để làm lợi nhuận trở nên đẹp hơn.
  • Làm mềm lợi nhuận (Income Smoothing): Một dạng của Earrning Management được tạo ra để tránh những lên xuống bất thường của thu nhập nói cách khác là làm đẹp thu nhập, hoặc làm giảm thu nhập những năm thu nhập cao nhằm dự trữ cho những năm thu nhập kém.
  • Gian lận báo cáo ( Fraudunt Reporting) : Cố ý sai sót trọng yếu hoặc thiếu sót trong các báo cáo tài chính nhằm đánh lừa người sử dụng báo cáo.

Như vậy, dù có tên gọi khác nhau là Kế toán sáng tạo hay Quản trị lợi nhuận, thì đó là việc làm thay đổi số liệu lợi nhuận, được thực hiện thông qua hành vi điều chỉnh doanh thu và chi phí bằng công cụ kế toán. Tùy thuộc vào từng quy định kế toán được ban hành, nó có thể ngăn chặn cũng như mở ra một cách mới để nhà quản trị đạt được mục tiêu lợi nhuận.

Nội dung và phương pháp thực hiện kế toán sáng tạo

Việc thực hiện kế toán sáng tạo đế điều chỉnh lợi nhuận của DN rất phong phú. Các phương pháp kế toán về doanh thu, vốn hóa, ghi nhận tài sản hay nợ phải trả có thể làm thay đổi những con số trên BCTC:

(1) Lựa chọn phương pháp kế toán ảnh hưởng đến thời điểm ghi nhận doanh thu và chi phí

Lựa chọn phương pháp kế toán có ảnh hưởng đến thời điểm ghi nhận doanh thu và chi phí (và kết quả là ảnh hưởng đến thời điểm ghi nhận lợi nhuận). Lựa chọn một (hoặc một số) phương pháp kế toán cho phép ghi nhận doanh thu sớm hơn và chuyển dịch ghi nhận chi phí về sau sẽ làm tăng lợi nhuận báo cáo trong kỳ và ngược lại. Trong chế độ kế toán DN, tồn tại một số phương pháp có thể được vận dụng để ghi nhận doanh thu, chi phí:

  • Phương pháp phần trăm hoàn thành để ghi nhận doanh thu và chi phí trong hoạt động cung cấp dịch vụ và hợp đồng xây dựng. Phương pháp này cho phép DN ghi nhận mức doanh thu lớn hơn hoặc nhỏ hơn thực tế theo tỷ lệ ước tính tiến độ thực hiện hợp đồng;
  • Phương pháp xác định giá trị hàng tồn kho (bình quân, nhập trước-xuất trước, đích danh) ảnh hưởng đế ghi nhận giá vốn hàng bán trong kỳ, và từ đó, ảnh hưởng đến lợi nhuận báo cáo trong kỳ;

Lựa chọn phương pháp khấu hao tài sản cố định. Mỗi một phương pháp khấu hao (đường thẳng, tỷ lệ sử dụng, số dư giảm dần có điều chỉnh) cho chi phí khấu hao khác nhau. Từ đó, ảnh hưởng đến lợi nhuận trong kỳ.

(2) Lựa chọn thời điểm mua hoặc bán tài sản

Lựa chọn thời điểm mua hay thanh lý, nhượng bán tài sản cố định cũng có ảnh hưởng đến lợi nhuận kế toán. Nhà quản trị DN có thể quyết định khi nào và mức độ các chi phí quảng cáo, chi phí sửa chữa, nâng cấp cải tạo tài sản cố định được chi ra. Nhà quản trị cũng có thể quyết định thời điểm thanh lý, nhượng bán tài sản cố định để đẩy nhanh hoặc làm chậm lại việc ghi nhận lợi nhuận hay thua lỗ hoạt động khác. Đẩy nhanh hay làm chậm lại việc gửi hàng cho khách hàng vào thời điểm gần cuối niên độ cũng có ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận báo cáo trong kỳ.

(3) Lựa chọn thời điểm ghi nhận chi phí và các ước tính kế toán

Chế độ kế toán cũng cho phép DN được phép vận dụng các phương pháp kế toán thông qua việc lựa chọn thời điểm ghi nhận chi phí. Nhà quản trị quyết định chuyển dịch về sau (hoặc ghi nhận sớm hơn) một số loại chi phí sẽ làm giảm (hoặc tăng) chi phí của niên độ hiện hành. Các loại chi phí có thể chuyển dịch thời điểm ghi nhận bao gồm: chi phí bảo hiểm hỏa hoạn, giá trị công cụ, dụng cụ phân bổ nhiều kỳ, chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định, chi phí quảng cáo, chi phí bảo hành sản phẩm. Những loại chi phí này có thể được ghi nhận vào niên độ phát sinh hoặc phân bổ cho một số kỳ (dựa vào nguyên tắc phù hợp).

Nhà quản trị DN có thể lựa chọn thời điểm và cách thức ghi nhận các sự kiện có liên quan đến chỉ tiêu lợi nhuận trong kỳ. Chẳng hạn, thời điểm và mức dự phòng cần lập của hàng tồn kho, của chứng khoán và phải thu khó đòi; thời điểm các khoản dự phòng này được hoàn nhập hay xóa sổ và mức hoàn nhập. DN cũng có thể ước tính (trích trước) một số chi phí như chi phí bảo hành sản phẩm, chi phí bảo hành công trình xây lắp, ước tính tỷ lệ hoàn thành hợp đồng xây lắp và cung cấp dịch vụ để ghi nhận doanh thu và chi phí, ước tính tỷ lệ lãi suất ngầm ẩn của hợp đồng thuê tài sản để vốn hóa tiền thuê trong một hợp đồng thuê tài chính. Ước tính thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ cũng có thể được thực hiện để điều chỉnh chi phí khấu hao (mặc dù phạm vi không lớn).

Kết luận

(1) Xét về góc độ tiêu cực: Khi sử dụng kế toán sáng tạo với mục đích không tích cực, nó có thể là công cụ cho những kẻ tham nhũng hoặc che dấu hoạt động kinh doanh đang giảm sút của công ty. Có thể kể đến một số hành vi như:

Tăng khả năng huy động vốn của DN, hoặc để thuyết phục nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư vào DN hay khi đi vay các tổ chức tín dụng, nhà quản lý đã tìm cách điều chỉnh lợi nhuận để huy động vốn với chi phí thấp hơn. Từ đó sẽ dẫn tới DN sẽ có các hành vi điều chỉnh lợi nhuận để tránh vi phạm các điều khoản

Tránh bị điều chỉnh từ các cơ quan nhà nước, như buộc giảm giá bán sản phẩm hay bị áp giá sàn trong một số thời điểm cụ thể; các công ty (Điện lực, Xăng dầu...) thường có xu hướng lựa chọn các phương pháp kế toán làm giảm lợi nhuận.

Đạt được các lợi ích cá nhân (như thưởng, tăng lương, vị trí đang có...) mà giám đốc có thể được hưởng nhiều quyền lợi hoặc sở hữu nhiều cổ phiếu, Giám đốc DN có thể điều chỉnh lợi nhuận tăng để đạt mục đích của mình.

Giảm các khoản thuế phải nộp nhà nước; DN sẽ báo các lợi nhuận kế toán ở mức thấp để giảm số thuế phải nộp

Từ đó việc thực hiện Kế toán sáng tạo có thể gây hại không nhỏ cho nhà nước, các nhà đầu tư và nền kinh tế đất nước.

(2) Xét về gọc độ tích cực: Bản thân việc thực hiện Kế toán sáng tạo không phải là hành vi tiêu cực. Nó chỉ mang ý nghĩa tiêu cực khi động cơ của việc thực hiện là nhằm tạo ra thông tin sai lệch để đánh lừa những người quan tâm đến BCTC của DN mà thôi. Nó giúp tác động tích cực đến việc kinh doanh của DN và chỉ đúng hướng đầu tư cho các nhà đầu tư trong tương lai. Tùy thuộc vào từng quy định kế toán được ban hành, nó có thể ngăn chặn cũng như mở ra một cách mới để nhà quản trị đạt được mục tiêu lợi nhuận.

Tóm lại, việc vận dụng kế toán sáng tạo trong bài viết là hợp pháp vì kỹ thuật điều chỉnh nằm trong Chế độ kế toán Việt Nam và các quy định hiện hành cho phép. Tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập TPP và AEC, những đòi hỏi về tính minh bạch tài chính rất cao. Vì vậy chính phủ cần ban hành thêm một số quy định chặt chẽ hơn nữa về việc trình bày BCTC của các công ty, nhất là các công ty niêm yết, nhằm hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của kế toán sáng tạo

Tài liệu tham khảo:

[1]. Nguyễn Công Phương (2007), Về tính trung thực của chỉ tiêu lợi nhuận, Tạp chí kế toán số tháng 12/2007

[2]. Nguyễn Công Phương (2009), Kế toán cơ sở dồn tích và quản trị lợi nhuận của DN, Tạp chí kế toán số tháng 4/2009

[3]. GPS.TS Trần Thị Cẩm Thanh (2016), Kế toán sáng tạo: Tích cực hay tiêu cực, Tạp chí kế toán kiểm toán 4/2016

[4]. ThS Phạm Nguyễn Đình Tuấn (2016), Kế toán sáng tạo – Vận dụng trong quản trị lợ nhuận của DN, Tạp chí kế toán kiểm toán 4/2016

Tác giả: ThS. Dương Thị Thanh Hiền - Bộ môn Kế toán quản trị – Trường ĐH Duy Tân

Sưu tầm