7 cách cải thiện chiến lược tuyển dụng hiệu quả

Đã đến lúc cần phải cải thiện chiến lược tuyển dụng của bạn để có được những ứng viên tốt hơn và tạo hứng khởi mới cho bộ phận Nhân sự. 7 Cách cải thiện chiến lược tuyển dụng nhanh chóng và hiệu quả nhất được CareerLink.vn chia sẻ dưới đây sẽ giúp các đơn vị doanh nghiệp tìm kiếm được nguồn ứng viên sáng giá cho mình, bởi nguồn nhân lực năng động và nhiệt huyết chính là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của toàn bộ công ty.

1. Làm mới thông tin tuyển dụng và mang đến những điều ngạc nhiên thú vị

Việc cập nhật, làm mới thông tin tuyển dụng và mang đến những điều ngạc nhiên, thú vị trong quá trình tuyển dụng được xem là một trong những cách tạo nên cái nhìn tích cực, đầy thiện cảm từ phía các ứng viên tiềm năng dành cho chính doanh nghiệp của bạn, đặc biệt là những ai có năng lực và ít nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực chuyên môn, và điều cốt lõi họ cần tìm kiếm chính là môi trường làm việc.

Vậy, điều gì sẽ tạo nên những sự ngạc nhiên thú vị? Bạn có thể thay đổi hình thức trình bày thông tin tuyển dụng với các mục thông tin cơ bản hoặc có thể sáng tạo hơn khi sử dụng hình ảnh minh họa, cùng với lối hành văn lôi cuốn. Các mẫu thông tin tuyển dụng được thiết kế mang màu sắc hóm hỉnh, hài hước, độc đáo... tùy thuộc vào kênh thông tin đăng tuyển, sẽ khiến ứng viên đọc xong là muốn “vác” CV đi nộp ngay. Điều này sẽ khá ấn tượng, nhất là khi công ty bạn hướng tới sự mới mẻ, sáng tạo, thú vị khi mô tả công việc cho các ứng viên tiềm năng.

2. Thể hiện sự chuyên nghiệp với ứng viên tham gia phỏng vấn

Văn hóa công ty vô cùng quan trọng đối với các ứng viên. Điều này được thể hiện qua phong cách làm việc chuyên nghiệp của từng khâu trong quá trình phỏng vấn. Nếu được chào đón nhiệt thành ngay từ khi bước vào công ty, ứng viên nào cũng sẽ có ấn tượng tốt về công ty.

Hãy thể hiện phong cách làm việc chuyên nghiệp của bạn với các ứng viên thông qua việc đúng giờ, nở nụ cười thân thiện, giao tiếp lịch sự. Những điều này tuy nhỏ nhưng đặc biệt mang lại hiệu quả và cho thấy được tầm của công ty bạn.

3. Thể hiện thái độ lịch sự và nồng nhiệt với ứng viên

Nhiều nhà tuyển dụng có thể không nhận ra tầm quan trọng của việc này, nhưng điều đó thực sự ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của ứng viên. Hãy thể hiện lợi thế của công ty bạn, và tạo thiện cảm khi cư xử với các ứng viên (đặc biệt là những ứng viên “nặng kí” mà bạn nhắm đến) như những nhân vật quan trọng.

Nhà tuyển dụng nên thể hiện sự vui mừng khi có được cơ hội gặp họ và mời họ đến tham dự vòng phỏng vấn bằng cách gọi điện thoại trực tiếp và gửi email kèm theo thông báo. Đồng thời, bạn nên thể hiện sự tôn trọng ứng viên với việc gửi email phản hồi cho cả ứng viên trúng tuyển và không trúng tuyển, và cũng áp dụng phương pháp này cho cả ứng viên đến nộp hồ sơ trực tiếp tại công ty. Hãy luôn thể hiện thái độ chào đón khi họ đến với công ty của mình.

4. Phán đoán nhu cầu của ứng viên và thể hiện sự quan tâm

Là ứng viên, họ luôn mong muốn được biết rõ hơn về môi trường làm việc sắp tới của mình như thế nào. Nếu bạn phán đoán được nhu cầu đó và sắp xếp một chuyến tham quan công ty cho các ứng viên tham gia phỏng vấn, các ứng viên sẽ đánh giá cao về điều này khi được cung cấp thêm vài thông tin, tài liệu thực tế về công ty. Ngoài ra, một chai nước trong suốt hành trình hoặc được hướng dẫn lối đến nhà vệ sinh khi cần thiết sẽ là cách làm ứng viên hoàn toàn hài lòng về hình ảnh chuyên nghiệp của công ty bạn.

Song song đó, nhân viên tiếp tân được xem là bộ mặt của chính công ty, vì thế bạn nên trao đổi về kế hoạch của buổi phỏng vấn và cung cấp các thông tin cần thiết để nhân viên có thể hướng dẫn tường tận cho các ứng viên trước khi họ bước vào buổi phỏng vấn.

5. Tận tình đến lúc ra về

Thông thường, khi kết thúc phỏng vấn, rất ít công ty tiễn ứng viên ra về. Tuy nhiên, bạn có thể tạo sự khác biệt một chút đối với những ứng viên mà bạn nhắm đến. Cuộc nói chuyện từ phòng phỏng vấn đến lối ra không tốn quá nhiều thời gian nhưng lại thể hiện sự quan tâm rất lớn đến ứng viên.

Nếu buổi phỏng vấn kéo dài đến trưa hoặc tối, bạn có thể chỉ dẫn lối ra cho ứng viên, hoặc có thể giới thiệu một số nhà hàng gần khu vực công ty trên bản đồ giúp họ. Sự chu đáo từ phía nhà tuyển dụng sẽ tạo nên hình ảnh đẹp trong mắt các ứng viên, đặc biệt là những ai phải di chuyển một chặng đường xa.

6. Gửi tặng ứng viên những món quà nhỏ của công ty

Bạn hoàn toàn có thể sử dụng một phần nhỏ những món quà quảng bá này để gửi đến các ứng viên sau khi tham gia phỏng vấn. Cử chỉ này thường được dành riêng cho những ứng viên cuối cùng, vì vậy nó sẽ không tốn nhiều chi phí, nhưng chắc chắn sẽ để lại một ấn tượng đáng nhớ. Việc các ứng viên đến phỏng vấn và ra về với một món quà có phải là điều thường có hay không? Chắc chắn là không rồi. Bởi sự khác biệt đó, các ứng viên chắc chắn sẽ có một ấn tượng mới mẻ với công ty bạn.

7. Có thêm những buổi gặp gỡ với nhân viên hiện tại của công ty

Nếu đủ tự tin để giới thiệu về chất lượng môi trường làm việc của công ty bạn, đừng ngần ngại tạo cơ hội cho ứng viên có được những cuộc gặp gỡ ngắn với các “đồng nghiệp tương lai”. Quá trình trao đổi này giúp ứng viên cảm nhận được môi trường làm việc thực sự của công ty, đồng thời giúp họ hình dung được sẽ làm gì trong thời gian tới nếu được nhận vào làm.

Ngay cả khi cuộc gặp gỡ này chỉ diễn ra khoảng 1 giờ, điều này sẽ giúp cho các ứng viên có một cái nhìn rõ hơn về vị trí, vai trò mà họ đang ứng tuyển, và có cơ hội được tiếp xúc với những đồng nghiệp hỗ trợ trong tương lai. Đây là một điều thú vị vì nó thể hiện sự nỗ lực của công ty bạn để đảm bảo cho sự hợp tác lâu dài về sau.

Bạn sẽ đưa ra một lời đề nghị công việc với một ứng viên nhưng ứng viên đó vẫn chưa chắc có làm việc tại công ty của bạn hay không. Họ có thể vẫn còn đang xem xét các lời đề nghị cạnh tranh khác - nhưng cơ hội vẫn còn nếu công ty bạn có ảnh hưởng đến họ với những điều bất ngờ phù hợp. Với 7 cách cải thiện chiến lược tuyển dụng như đã giới thiệu trên, công ty bạn sẽ hoàn toàn có khả năng cao “thu nhận” được những nhân viên sáng giá cho chính công ty của mình.

ST