Trong thời đại hội nhập với tốc độ nhanh như hiện này, ngày càng nhiều người vì áp lực, quá tải công việc dẫn tới ảnh hưởng lên tâm lý, gây ra stress, mệt mỏi. Theo thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết: khoảng 20% dân số thế giới bị căng thẳng quá mức trong công việc. Còn tại Việt Nam, theo nghiên cứu, tỷ lệ bình quân người bị stress trên cả nước là hơn 52%. Đặc biệt tại các khu công nghiệp, 71% công nhân có biểu hiện stress.
Vậy làm thế nào để bạn làm việc hiệu quả mà không bị quá tải là băn khoăn của nhiều người khi bước chân vào môi trường công sở. Trong bài viết ngày hôm nay, kynang.edu.vn sẽ chia sẻ những bí quyết giúp bạn cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Quản lý thời gian hiệu quả
Để làm việc hiệu quả, bạn cần có kỹ năng quản lý thời gian một cách thành thạo nhất. Hãy bắt đầu một ngày mới bằng cách lên kế hoạch cho cả ngày làm việc và đánh giá lại trước khi kết thúc để bạn yên tâm có một giấc ngủ ngon. Đừng cố làm “hết việc chứ không hết giờ” nếu công việc bạn đang làm không quá cấp bách để tránh ôm đồm quá nhiều việc.
Đừng quá cầu toàn
Sự cầu toàn là thái độ cần thiết trong công việc. Nhưng nếu mọi thứ đi quá giới hạn thì sẽ gây tổn tại đến chính bản thân bạn và mọi người xung quanh. Không quá ngạc nhiên khi những người có tính cầu toàn rất hay vướng vào stress, mệt mỏi vì những kỳ vọng và ám ảnh về công việc. Hãy để cho bản thân thư giãn và tận hưởng công việc một cách thoải mái nhất.
Biết được điều sếp cần, yêu cầu
Điều khiến bạn có thể tiết kiệm thời gian tối đa là thấu hiểu những gì sếp bạn cần và yêu cầu. Để làm được việc đó, bạn nên nói chuyện với sếp để lắng nghe họ chia sẻ những tiêu chí cụ thể, điều họ nghĩ và mong muốn nhân viên làm được.
Nâng cao hiệu suất làm việc
Chìa khóa để đạt được năng suất làm việc tối đa là ý thức được thời gian của bạn nên sử dụng vào việc gì và làm ra sao. Tùy theo mức độ quan trọng và gấp rút về mặt thời gian, bạn nên chia công việc thành 4 mục nhỏ, gồm: những việc cấp thiết nhưng không quan trọng, những việc quan trọng nhưng không cấp thiết, những việc không cấp thiết nhưng quan trọng và những việc không cấp thiết cũng không quan trọng. Đồng thời, sự chủ động và quyết đoán trong công việc sẽ giúp bạn giảm thiếu tối đa thời gian “chết” và nâng cao hiệu suất làm việc.
Tự khen thưởng bản thân
Việc tự khen thưởng bản thân sẽ tạo cho bạn niềm vui và động lực để nỗ lực làm việc. Vậy nên sau khi hoàn thành công việc, bạn nên tự đánh giá những điều đã làm được, những việc còn thiếu sót, đồng thời không quên tự thưởng cho những cố gắng và thành công của bạn. Việc ghi nhận thành công giúp bạn tự tin để sẵn sàng gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
Biết cách quảng bá hình ảnh bản thân
Không phải ai cũng biết rằng làm việc chăm chỉ kèm theo kết quả xuất sắc đôi khi không được công nhận xứng đáng. Trừ khi sếp của bạn biết những đóng góp và nỗ lực của bạn, còn không, bạn đang làm việc mà không được đánh giá tương xứng với công sức bỏ ra.
Để khiến bản thân vui vẻ và thoải mái nhất, đôi khi bạn nên sử dụng những “mẹo nhỏ” giúp thể hiện khả năng của mình với sếp và đồng nghiệp. Như vậy, công sức bạn đóng góp mới được nhìn nhận xứng đáng.
Học hỏi từ các chuyên gia
Để nâng cao hiệu quả làm việc, tại sao bạn không học hỏi từ các chuyên gia trong lĩnh vực của mình, từ sếp hoặc đồng nghiệp. Những kinh nghiệm thực tiễn không một trường lớp, thầy cô, sách vở nào có thể dạy bạn trong khi nó lại phát huy tác dụng rất tốt khi được ứng dụng một cách linh động, hợp lý. Từ đó bạn sẽ có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm trong khi xử lý công việc. Chính vì vậy, đừng ngần ngại, đừng xấu hổ mà hãy không ngừng học hỏi để tiến bộ.
Học cách nói không
Một trong những điều khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi đó là luôn cả nể mà làm những công việc người khác nhờ vả. Hãy học cách nói “không” với những yêu cầu của mọi người nếu bạn quá bận. Bạn nên biết nhờ những đồng nghiệp giúp đỡ khi cần thiết, chia sẻ công việc với mọi người. Điều này sẽ giúp bạn không bị quá tải và tập trung hơn vào công việc của chính mình.
Trao đổi thường xuyên với sếp về công việc
Khi là một nhân viên, bạn hoàn toàn có thể trao đổi và góp ý với sếp về công việc chung. Điều này giúp sếp nắm được tiến độ công việc và có những điều chỉnh khi cần thiết. Như vậy, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và thực hiện theo đúng yêu cầu của cấp trên.
Nghỉ ngơi hợp lý
Đừng chỉ suốt ngày bám trụ bàn làm việc mà hãy tự thưởng cho mình một quảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Đó có thể là khoảng nghỉ giải lao 5 phút để vận động hay trò chuyện với đồng nghiệp, nghe nhạc,… Điều này không có nghĩa là bạn lãng phí thời gian mà chính là bạn đang phục hồi sinh lực cho những công việc tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.
Sưu tầm