Buổi tọa đàm “nâng cao chất lượng giảng dạy” tại trường Đại học Đông Á

Với mong muốn tạo diễn đàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên giữa các giảng viên trong Nhà trường, Sáng ngày 10/01/2015, Ban Giám Hiệu trường Đại học Đông Á tổ chức buổi tọa đàm “ Nâng cao chất lượng giảng dạy” trong môi trường đại học.

Gần 300 giảng viên trường ĐH Đông Á đã tham gia buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng giảng dạy” trong môi trường đại học

Trong những năm qua, trường Đại học Đông Á luôn xác định việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường. Các Khoa/Bộ môn, các giảng viên trong trường cũng luôn tích cực thực hiện việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đặc biệt là từ khi Nhà trường chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Ban Giám Hiệu, các Khoa/Bộ môn cũng luôn động viên, khuyến khích các giảng viên trong đơn vị thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy.

Với gần 300 giảng viên trường ĐH Đông Á có mặt tại buổi tọa đàm, các giảng viên đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Trong đó vấn đề sử dụng phương pháp hỗ trợ của phương tiện hiện đại vào bài giảng được rất nhiều giảng viên quan tâm. Những yếu tố âm thanh, hình ảnh, vận động tư duy,… được sử dụng triệt để vào bài giảng. Kết hợp trình chiếu clip tư liệu, trích dẫn những câu chuyện thực tế để đạt thành công cho bài giảng.

Đại diện nhà trường cho rằng ”Trong môi trường học tập chất lượng cao, sinh viên phải là người làm chủ, tự bản thân trải nghiệm tình huống thực tế để phát triển tư duy, kiến thức”. Đồng thời, thầy cũng nêu ra một số phương pháp như: dạy theo vấn đề, dạy qua tình huống, dạy kiểu truy vấn, cho sinh viên động não bằng thảo luận, đóng vai,… Theo đó, mối quan hệ thầy - trò lúc này là công bằng, sinh viên được quyền phát biểu nhiều hơn để phát huy kỹ năng, kiến thức, thái độ.

Các giảng viên cũng thẳng thắn trao đổi về công tác đổi mới phương pháp giảng dạy. Các bước chuẩn bị trước khi bước lên bục giảng, phương pháp giúp cho sinh viên nhanh chóng hiểu được vấn đề mới. Đưa sinh viên trở thành người chủ động học tập kiến thức mới, vừa có thể tăng cường khả năng phân tích, tư duy để biến kiến thức từ giảng đường áp dụng triệt để vào công việc sau này.

Hoạt động lần này là một việc làm thiết thực nhằm góp phần làm nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường và cũng sẽ mở ra nhiều chủ đề cho các buổi tọa đàm tiếp theo của Ban Giám Hiệu nhà trường.