"Phỏng vấn chỉ là cách bán hàng, còn hàng mà kém chất lượng thì các bạn vẫn bị sa thải như thường. Vậy hãy nghĩ đến nâng cao năng lực làm việc của mình thay vì cố gắng lừa nhà phỏng vấn về khả năng của mình", Tổng giám đốc Bachkhoa Aptech chia sẻ.
Trong buổi tọa đàm "Bí quyết xin việc thành công" thuộc ngày hội việc làm thanh niên thủ đô tổ chức tại Đại học Thương mại, anh Ngô Minh Tuấn, tổng giám đốc một cơ sở đào tạo lập trình viên chia sẻ với các sinh viên sắp ra trường kinh nghiệm khi tìm việc làm. Anh cho hay, hiện khoảng 1% sinh viên ra trường vào được doanh nghiệp nhà nước bằng nhiều con đường khác nhau. Còn lại các doanh nghiệp tư nhân tuyển dụng hàng ngày. Vì vậy, các tân cử nhân hãy quên đi việc tìm cách để vào được nhà nước làm việc mà chuẩn bị cho mình thái độ, kỹ năng, trình độ chuyên môn để có một công việc phù hợp với bản thân.
"Sinh viên mới ra trường đi tuyển dụng cũng giống như bước vào một cuộc hôn nhân, phù hợp thì mới có thể chung sống lâu dài. Nếu hai bên quá khác biệt nhau về tính cách, mục tiêu thì rất khó hợp tác, anh nói.
Theo anh, trước khi đi phỏng vấn, các bạn cần định vị vị trí mình ứng tuyển cần những kỹ năng gì. Tiếp đến là tìm hiểu về tầm nhìn của công ty, thị trường hoạt động, lĩnh vực hoạt động, đối tượng khách hàng. Những điều này để khẳng định xem công ty có giúp được gì cho lộ trình sau này của mình hay không. Nếu thấy phù hợp thì tìm hiểu tiếp về môi trường làm việc, xem giám đốc, nhân viên ở đó có vui vẻ hay không. Nếu họ vui vẻ, thoải mái khi đi làm thì đó là môi trường tốt để bạn gắn bó lâu dài.
Anh Tuấn cho biết, ứng viên có năng lực nhưng cũng cần những kỹ năng để khi đi phỏng vấn thể hiện được con người mình và lọt vào mắt nhà tuyển dụng.
Về trang phục: Tùy từng vị trí tuyển dụng mà có cách ăn mặc khác nhau. Đi tuyển vệ sĩ khác với tuyển phó giám đốc, thư ký. Trước khi tham dự phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu thói quen ăn mặc của cơ quan đó thế nào, đặc biệt là cách ăn mặc của sếp, của nhân viên để lựa chọn trang phục. Không có một khuôn mẫu trang phục tiêu chuẩn cho tất cả vị trí, chỉ có trang phục phù hợp với từng vị trí làm việc.
Ngôn ngữ, cử chỉ khi bước vào phỏng vấn: Khi bước vào phòng, nên chào giám đốc và cả những thành viên xung quanh. Bạn có khoảng 10 giây để tạo ấn tượng ban đầu về vẻ bề ngoài và thái độ. Nhà tuyển dụng sẽ quan sát xem bạn có tươi cười không, có vui vẻ không, thái độ đối với công việc thông qua các câu trả lời. Khi trả lời phỏng vấn, hãy nhìn vào người phỏng vấn mình thường xuyên hơn và nên đối diện với mắt họ. Lúc nói chuyện không nên chống tay vào cằm mà nên để trên mặt bàn, không khoanh tay, không rung đùi.
Tuyệt đối không mặc cả về lương: Nhà tuyển dụng sợ nhất là những người không có năng lực nhưng ngồi mặc cả lương. Nếu bạn có giá trị, tự tin về năng lực của mình thì không có lý do gì họ không tuyển dụng.
"Còn cả quãng thời gian làm việc lâu dài sau này, khi đó mặc cả về lương cũng chưa muộn. Không việc gì phải mặc cả ngay từ đầu, vừa tạo ấn tượng không tốt trong khi nhà tuyển dụng chưa đánh giá được năng lực của bạn", anh nói. Chốt lại buổi phỏng vấn, hãy hỏi về công việc của mình và công ty mà bạn sẽ làm việc.
Doanh nghiệp bao giờ cũng yêu cầu ở ứng viên thái độ, kỹ năng và trình độ chuyên môn. "Nhà tuyển dụng có rất nhiều cách để kiểm tra thái độ của bạn bằng những câu hỏi phỏng vấn. Nhiều người Việt nghĩ rằng họ đang coi thường mình nhưng không phải. Khi đó, hãy nghĩ rằng họ chỉ đang kiểm tra thái độ.Trong thực tế, làm việc với người hay thái độ rất ức chế", anh chia sẻ.
Theo anh, bằng cấp cũng là yếu tố quan trọng nhưng chưa đủ để có được việc làm. Anh cho biết, nhân viên của anh tốt nghiệp bằng gì, học trường nào anh không biết, không nhớ nhưng người đó làm được gì, năng lực đến đâu thì lại nắm được rất rõ. Vậy nên, khi đi làm đừng khoe là tiến sĩ, thạc sĩ. Có nhhững ông giám đốc chỉ là cử nhân, nhưng quản lý công ty hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ.
Vị tổng giám đốc nhấn mạnh "Phỏng vấn tuyển dụng chỉ là cách bán hàng, còn hàng mà kém chất lượng thì vẫn bị sa thải như thường. vậy thì hãy nghĩ đến việc nâng cao năng lực làm việc của mình, thay vì cố gắng lừa nhà phỏng vấn về khả năng của mình. Nếu vị giám đốc nào mà không thẩm định được giá trị con người từ lúc phỏng vấn thì hãy tin rằng doanh nghiệp đó không giúp được gì cho bạn".
Nguồn tin: ST