Dạy cách học là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học

Phương pháp học tập của sinh viên không chỉ là công cụ để chiếm lĩnh kiến thức mà còn là mục tiêu học tập ở bậc đại học. Vì vậy, mục đích chính của trường đại học là bổ sung vốn kiến thức cơ bản để sinh viên làm việc sau khi tốt nghiệp và trang bị những phương pháp để sinh viên có thể tiếp tục tự học suốt đời.

Điều đó cho thấy, việc dạy cách học là một trong những nội dung không thể thiếu trong quá trình đào tạo đại học. Tùy theo tình hình cụ thể từng trường mà chúng ta nên tổ chức dạy cách học như một môn học nội khóa hay ngoại khóa và ngay trong từng môn học cũng cần có nội dung về dạy cách học của môn đó.

1. Mở đầu

Trong Luật Giáo dục của nước ta, về phương pháp giáo dục đại học, Khoản 2, Điều 40 nêu rõ “phải coi trọng việc bồi dưỡng ý thức tự giác, năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng" [6].

Môi trường học tập ở đại học rất khác so với môi trường học tập ở phổ thông, với lượng kiến thức khá lớn và khó trong khi quỹ thời gian trên lớp hạn hẹp đòi hỏi sinh viên phải có cách học tập thích hợp để đạt hiệu quả cao và đáp ứng năng lực tự học suốt đời. Do đó, việc dạy cho sinh viên cách học đáp ứng với môi trường học tập mới là cần thiết.

Quá trình nhận thức của sinh viên cao hơn so với lứa tuổi học sinh về sự phát triển, về tính chọn lọc cao và tính độc lập sáng tạo. Sinh viên có thể tự đặt ra vấn đề, tự tìm cách giải quyết vấn đề đó theo nhiều phương thức khác nhau và tự đánh giá các kết quả tìm được. Có thể nói sinh viên là những người trưởng thành nên đòi hỏi tính tự giác cao và tự chịu trách nhiệm về kết quả học tập của mình.

Từ những đặc điểm quá trình nhận thức của sinh viên, dạy cách học cần phải có nội dung phù hợp. Chúng tôi xin được đề xuất những nội dung cơ bản của dạy cách học.

2. Nội dung dạy cách học ở trường đại học

2.1. Bồi dưỡng động cơ học tập

- Vì sao phải bồi dưỡng động cơ học tập?

Động cơ học tập đúng đắn là một yếu tố tư tưởng thôi thúc sinh viên tìm mọi cách đạt tới mục đích đặt ra. Vậy có động cơ đúng đắn là có được sự định hướng tới mục đích.

Động cơ học tập thể hiện thông qua các hoạt động cụ thể như: say mê học tập, kiên trì vượt khó vươn lên, cố gắng để có kết quả tốt trong học tập, ham muốn khám phá và luôn tìm cách thức mới để khám phá tri thức. Nếu sinh viên không xác định rõ hay xác định sai động cơ học tập thì khả năng xuất hiện các hiện tượng như: sự chây lười trong học tập và các sinh hoạt tập thể, tư tưởng trung bình trong học tập, sự gian lận trong học tập và thi cử, dễ bị lôi kéo vào những chơi bời đua đòi, cờ bạc, rượu chè.

- Yêu cầu trong bồi dưỡng động cơ học tập:

Xác định, làm rõ và khắc sâu mục đích khóa học. Xóa bỏ tình trạng lơ mơ trong nhận thức của sinh viên là học nhưng chưa định hình được sau khóa học mình sẽ có khả năng làm việc gì. Khơi dậy tinh thần trách nhiệm của sinh viên về việc lựa chọn ngành nghề của mình. Cần phải quyết tâm học tập để đạt được mục đích khóa học.

Thay đổi tư duy lệch lạc của sinh viên là đến kỳ thi mới học. Xác định được học để làm việc chứ không phải để thi. Liệt kê những môn sẽ phải học tốt để đạt chuẩn đầu ra của ngành nghề, những kiến thức đó sẽ gắn bó cùng với nghề nghiệp. Từ đó hình thành tình yêu môn học, sự đam mê nghiên cứu, tự giác học tập, nghĩa là hình thành động cơ học tập đúng đắn.

2.2. Bồi dưỡng kỹ năng tập trung

- Vì sao phải bồi dưỡng kỹ năng tập trung?

Trong quá trình học tập, một số sinh viên thiếu tập trung vào bài học, suy nghĩ mông lung, nên chuyện học hành trở nên khó khăn và cảm thấy nhàm chán. Sự tập trung tốt sẽ giúp sinh viên có thêm hứng thú học tập và đạt hiệu quả cao.

- Yêu cầu trong bồi dưỡng kỹ năng tập trung:

Để tránh tình trạng mất tập trung trong giờ học, sinh viên nên tự nhủ thầm “giờ nào việc nấy” như thế sẽ đánh thức và nghĩ ngay về nội dung đang học.

Sinh viên cần liệt kê những chủ đề cần học trong ngày và giải quyết theo thứ tự ưu tiên. Danh sách liệt kê được đặt ở nơi dễ nhìn thấy sẽ giúp sinh viên tập trung vào từng nhiệm vụ học tập và mang đến cảm giác thành công mỗi lần hoàn thành.

Khi học cá nhân, sinh viên nên chọn không gian riêng thích hợp để học. Bàn học cần ngăn nắp, gọn gàng đỡ mất thời gian tìm kiếm và phân tâm. Sinh viên nên tránh sử dụng điện thoại để không ai làm phiền trong thời gian học tập, nhất là giờ học trên lớp. Khi sử dụng internet để tìm kiếm tài liệu học tập, các trang mạng xã hội nên thiết lập tình trạng bận, hoặc ẩn để tránh sự giao tiếp không cần thiết.

Để tránh nhàm chán trong học tập, sinh viên nên thay đổi môn học sau một đến hai giờ học và dành thời gian nghỉ giải lao hợp lý để lấy lại tinh thần học tiếp. Nên dành thời gian thích hợp cho giấc ngủ, khi ngủ đủ giấc thì tinh thần sẽ tỉnh táo, dễ dàng tập trung để hoàn thành bài học hơn.

2.3. Bồi dưỡng tính năng động

- Vì sao phải bồi dưỡng tính năng động?

Không ít sinh viên vẫn còn thụ động, rất sợ bị gọi đứng lên phát biểu. Đây là điểm yếu của sinh viên Việt Nam. Thực tế cho thấy, về kiến thức chuyên môn sinh viên Việt Nam không hề thua kém so với các bạn sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, khả năng tranh luận, phản biện của sinh viên Việt Nam thường thiếu mạnh dạn, kỹ năng làm việc theo nhóm còn yếu.

- Yêu cầu trong bồi dưỡng tính năng động:

Năng động có nghĩa là hoạt động nhiều, không chỉ trong suy nghĩ mà còn trong hành động thực tiễn nữa, thao tác nhanh nhẹn, không rập khuôn máy móc, sáng tạo trong học tập.

Sinh viên nên tích cực, chủ động tham gia vào các câu lạc bộ cả về học thuật lẫn sở thích, qua quá trình sinh hoạt tập thể sẽ kích thích sự năng động, hòa nhập, học hỏi. Sinh viên không nên tự ti, mặc cảm mà hãy mạnh dạn nêu những chính kiến của mình về chủ đề đang thảo luận. Nếu phát biểu sai thì được mọi người chỉ ra giúp ta hiểu rõ sẽ không còn phân vân mắc sai lầm lần sau; nếu phát biểu đúng thì giúp ta khắc sâu kiến thức đó hơn và nhớ lâu. Mạnh dạn phát biểu luôn có lợi cho sự phát triển tư duy của bản thân. Ngược lại, sinh viên cũng không nên thỏa mãn với những điều đã biết, luôn cố gắng vươn lên để đạt kết quả cao nhất, năng động là cơ sở để sáng tạo, say mê tìm tòi để phát hiện cái mới.

2.4. Dạy cách lập kế hoạch học tập

- Vì sao phải dạy cách lập kế hoạch?

Hiện nay đa số sinh viên học tập mang tính đối phó, theo mùa, bình thường thì nhàng nhàng, đến kỳ thi mới cuống cuồng lên học và kết quả là may rủi. Sinh viên phải biết xây dựng kế hoạch học tập và kiên trì thực hiện kế hoạch học tập đã xây dựng như thế mới đạt hiệu quả cao, tạo phong cách làm việc có khoa học, tránh lãng phí thời gian.

- Yêu cầu trong dạy cách lập kế hoạch học tập:

Xây dựng kế hoạch học tập, trước hết phải nắm được chương trình học tập cả khóa học, năm học, từng học kỳ, biết những môn nào là môn thi và những môn nào là môn kiểm tra, cũng như xác định mục đích yêu cầu của từng môn học. Từ đó, hình thành và phân biệt được việc chính với việc phụ, việc làm ngay với việc sẽ phải làm mà lập kế hoạch học tập phù hợp với điều kiện và năng lực cụ thể của từng sinh viên.

Kế hoạch học tập phải có tính toàn diện, vừa sức, rõ ràng hợp lý và cụ thể để có thể đánh giá được mình đã thực hiện kế hoạch ở mức độ nào. Không nên sắp xếp công việc quá dày sẽ rất khó hoàn thành kế hoạch đề ra. Nên sắp xếp xen kẻ các môn học có hứng thú khác nhau để giảm bớt căng thẳng. Sinh viên phải nắm vững qui chế học vụ, sổ tay sinh viên để xây dựng kế hoạch có thời gian biểu khoa học mang tính khả thi. Cần có lịch tay để ghi công việc cần làm trong tuần, trong tháng.

2.5. Dạy cách đọc sách

- Vì sao phải dạy cách đọc sách?

Kỹ năng đọc là một trong những hoạt động quan trọng nhất mà sinh viên cần thực hiện. Đối với giáo dục đại học lượng kiến thức lớn nhưng quỹ thời gian lên lớp thì hạn hẹp, dưới sự hướng dẫn của giảng viên sinh viên phải tự học là chính. Muốn tự học đạt hiệu quả thì phải biết cách đọc.

Cùng với sự phát triển của truyền hình và internet số lượng sinh viên đọc sách ngày càng ít. Không giống như truyền hình, đọc sách khiến ta phải suy nghĩ nhiều hơn, bộ não làm việc nhiều hơn, điều này có tác dụng tốt trong sự phát triển tư duy. Đọc sách đúng cách chúng ta không suy nghĩ lung tung ngoài việc sống cùng với sách, sẽ giúp tăng khả năng tập trung hơn.

- Yêu cầu trong dạy cách đọc sách:

+ Dạy cách chọn sách đọc:

Tùy theo quỹ thời gian mà chọn sách nào cần đọc. Chọn sách phù hợp với mục tiêu môn học, phù hợp với trình độ người đọc. Một chủ đề có thể tìm đọc nhiều tài liệu khác nhau để tìm ra ưu thế của mỗi cách trình bày và đào sâu kiến thức.

+ Dạy cách đọc sách và ghi chép:

Nếu đọc nhiều sách mà không suy nghĩ thì tưởng là biết nhiều, nhưng nếu vừa đọc vừa suy nghĩ chắc hẳn sẽ thấy mình biết còn rất ít. Do đó, nên đọc kỹ, cần có cuốn sổ nhỏ để ghi lại những nội dung trọng tâm bổ sung cho bài học, nên dùng bút đánh dấu những chỗ quan trọng hay chưa hiểu để có thể xem lại. Trong khi đọc, thỉnh thoảng dừng đọc và đặt những câu hỏi kích thích và tự tìm câu trả lời.

Đối với những giáo trình phục vụ trực tiếp cho môn học cần phải đọc kỹ và đọc có hệ thống: Trước hết, cần đọc mục lục để có cái nhìn tổng quan về chủ đề cuốn sách. Sau đó đọc lướt nhanh toàn bộ các các chương, mục để khái quát được toàn bộ nội dung của sách. Đọc kỹ nội dung của từng chương, mục và hệ thống lại những kiến thức cơ bản của chương, nên sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức giúp người đọc nhớ lâu và dễ liên hệ.

2.6. Dạy cách nghiên cứu giải quyết vấn đề

- Tại sao phải dạy cách nghiên cứu giải quyết vấn đề?

Vấn đề là yêu cầu cụ thể do giảng viên đưa ra trong quá trình dạy học đòi hỏi sinh viên phải tự giác suy nghĩ, sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu có liên quan, huy động vốn kiến thức, kinh nghiệm đã có hoặc tham khảo ý kiến của người khác để giải quyết được yêu cầu của vấn đề. Vấn đề cũng có thể xuất hiện trong quá trình sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Vấn đề phải thể hiện hai yếu tố: cái cần tìm và cái đã biết có liên quan đến cái cần tìm, sinh viên có thể dựa kiến thức đã biết để nghiên cứu cái cần tìm. Hiện nay phần lớn sinh viên thích giảng viên đặt vấn đề và giải quyết luôn, sinh viên chỉ thụ động nghe. Sinh viên chưa có thói quen và cũng chưa biết cách nghiên cứu giải quyết vấn đề, nên thấy việc tự mình tìm cách giải quyết vấn đề mất thời gian và không hiệu quả.

- Yêu cầu trong dạy cách nghiên cứu giải quyết vấn đề:

Sinh viên tiến hành độc lập nghiên cứu giải quyết vấn đề dưới sự hướng dẫn của giảng viên, hay có thể thực hiện giải quyết vấn đề theo nhóm. Nghiên cứu giải quyết vấn đề qua các giai đoạn:

+ Xác định những nguyên nhân tạo ra vấn đề.

+ Hình thành giả thuyết, giả thuyết định hướng cho các hoạt động để chứng minh vấn đề mới. Các giả thuyết đó chính là các ý tưởng có cơ sở khoa học, dựa vào vốn trí thức đã biết để hình thành các phán đoán, suy luận lý giải cho vấn đề mới. Giả thuyết không được mâu thuẫn với những kiến thức đã biết.

+ Chứng minh giả thuyết, là khâu vạch kế hoạch các bước hoạt động nghiên cứu giải quyết vấn đề. Trong nhiều giải pháp vạch ra, lựa chọn giải pháp phù hợp nghiên cứu, phân tích và tổng hợp để giải quyết vấn đề.

2.7. Dạy cách nghiên cứu bài học mới trước khi lên lớp học

- Tại sao phải dạy cách nghiên cứu bài học mới trước khi lên lớp học?

Lượng kiến thức trong chương trình đại học là lớn, giảng viên không thể giảng giải cặn kẽ trên lớp được, đối với những nội dung kiến thức không quá khó, giảng viên đưa ra vấn đề và hướng dẫn sinh viên tự nghiên cứu giải quyết.

- Yêu cầu trong dạy cách nghiên cứu bài học mới trước khi lên lớp học:

Trước khi đến lớp sinh viên nhất thiết phải tìm hiểu những nội dung cơ bản của bài học mà giảng viên sẽ trình bày, nhận ra những ý, những mục chưa rõ hoặc khó quá, đánh dấu hoặc ghi chép, nhờ đó khi nghe giảng chúng ta có điều kiện tập trung hiểu rõ hơn hoặc đặt ra những vấn đề còn vướng mắc để thầy cô giải đáp. Điều đó giúp sinh viên nhớ bài nhanh và hiểu cặn kẽ vấn đề và xâu chuỗi các vấn đề một cách tốt hơn.

2.8. Dạy cách nghe giảng và ghi bài trên lớp

- Vì sao phải dạy cách nghe giảng và ghi bài trên lớp?

Hiện nay, sinh viên kết hợp nghe giảng và ghi chép chưa khoa học. Có lúc mãi miết nghe giảng mà quên ghi, hoặc cặm cụi ghi chép mà không hiểu rõ nội dung đang giảng, hoặc suy nghĩ mông lung. Kết quả là đầu óc người nghe không có ý niệm rõ ràng hoặc có một mớ hỗn độn những ý niệm. Đây quả là sự lãng phí lớn về thời gian và sức lực của người nghe lẫn người giảng.

Hiệu quả của việc chăm chú lắng nghe và ghi chép khoa học đó là: hiểu được bài học nhanh chóng, rút ngắn thời gian ôn tập khi thi, làm bài tập nhanh chóng, tự tin và hứng thú khi đi học.

- Yêu cầu trong dạy cách nghe giảng bài:

Bắt đầu tiết học cần ổn định ngay chỗ ngồi và tập trung nghe giảng, không được bỏ qua hoặc xem nhẹ thời gian đầu của tiết học. Tập trung nghe những nội dung chính, những điểm quan trọng nhất mà giảng viên thường nhấn mạnh qua ngữ điệu, qua việc nhắc lại nhiều lần. Chú ý đến các bảng tóm tắt, các sơ đồ và các tài liệu trực quan khác mà giảng viên giới thiệu, vì đây là lúc giảng viên hệ thống hóa, so sánh, phân tích... để nắm được trình tự tiến dần đi đến kết luận và rút ra cái mới. Khi gặp chỗ khó, không hiểu thì hãy tạm thời gác lại để tiếp tục nghe giảng và sẽ cố gắng tìm hiểu những điều đó sau để quá trình nghe giảng không bị gián đoạn. Khi bài giảng dừng lại, sinh viên có thể nêu câu hỏi để đào sâu kiến thức, liên hệ thực tiễn và làm rõ những chỗ chưa hiểu. Để phát biểu tốt thì hãy ghi những câu nhận xét hay phát biểu vào một tờ giấy trước khi phát biểu.

- Yêu cầu trong dạy cách ghi chép bài giảng:

Khi nghe giảng về một khái niệm và được tự tay ta trực tiếp ghi trên giấy, thì hình ảnh của khái niệm này được đậm nét hơn ở trong óc. Do đó, có ghi chép bài, học bài càng nhanh thuộc.

Sinh viên cần tập viết nhanh hơn, dùng nhiều ký tự viết tắt hơn. Nên ghi dàn bài bằng sơ đồ tư duy để có thể khái quát cấu trúc chung của bài giảng. Không cần phải ghi tất cả những gì giảng viên giảng giải, mà nên tập trung nghe, hiểu vấn đề rồi ghi chép theo ý hiểu của mình, gạch làm dấu các vấn đề cần lưu ý. Ghi những điều quan trọng mà sách không có, những công thức mấu chốt, những nội dung trọng tâm để có thể tự mình giải quyết nhanh chóng và khoa học vấn đề giảng viên đặt ra.

Ngoài những vấn đề cần ghi chép trên, vở của sinh viên còn dùng để ghi những kiến thức tóm lược ở giáo trình, tài liệu khác mà mình đã đọc, ghi những điều băn khoăn, thắc mắc, những suy nghĩ của cá nhân chợt nảy sinh trong giờ học hoặc trong quá trình tự học.

2.9. Dạy cách học bài ngoài giờ trên lớp

- Vì sao phải dạy cách học bài ngoài giờ trên lớp?

Sinh viên phải hiểu rằng tự học hay học bài ngoài giờ trên lớp không có nghĩa là chỉ học cá nhân mà còn học theo nhóm. Học tập không hoàn toàn là một hoạt động cá nhân, nó xảy ra trong một môi trường văn hóa xã hội nhất định, trong đó sự tương tác giữa những người học với nhau có vai trò hết sức quan trọng trong thu nhận và tạo kiến thức.

Lợi ích của việc học nhóm đem lại có thể hình dung như sau: Tôi có một trái cam, anh có một trái cam, nếu trao đổi cho nhau thì mỗi người cũng chỉ có một quả cam. Nhưng nếu tôi có một kiến thức, anh có một kiến thức, mỗi người chỉ có một kiến thức. Nhưng nếu trao đổi kiến thức đó cho nhau thì mỗi người có đến hai kiến thức.

- Yêu cầu trong dạy cách học cá nhân:

Đọc kỹ lại bài giảng của giảng viên, cố gắng ghi nhớ những nội dung cốt lõi của bài học. Biết tóm tắt nội dung bài học, biết lập sơ đồ hệ thống hóa. Nên biết lật đi lật lại vấn đề, tự biến đổi các công thức để hiểu kỹ bài rồi mới vận dụng để giải bài tập, thực hiện các nhiệm vụ do giảng viên đặt ra. Học không chỉ là lưu trữ kiến thức rồi để đó, mà chỉ có thực hành, làm bài nhiều thì mới có thể hiểu kỹ, nhớ lâu và phát triển tư duy.

- Yêu cầu trong dạy cách học theo nhóm:

Sinh viên cần chủ động tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận giữa những cá nhân hoặc giữa các nhóm, như vậy kiến thức mới vững chắc, sâu sắc và phong phú. Sinh viên phải biết tận dụng mọi cơ hội để học tập, phải biết học hỏi thầy, học hỏi bạn bè, không tự ti giấu dốt. Học nhóm có thể diễn ra ở bất cứ khi nào, ở đâu. Khi giao tiếp, chúng ta nên đem vấn đề học ra hội ý, thảo luận, làm sáng tỏ vấn đề và nhất là những kiến thức vừa mới học. Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau tìm hiểu vấn đề nêu ra trong không khí thi đua với các nhóm khác. Khi có một nhóm nào lên thuyết trình, các nhóm còn lại đặt ra các câu hỏi phản biện hoặc câu hỏi đề nghị làm sáng tỏ vấn đề.

2.10. Dạy cách sử dụng công nghệ thông tin phục vụ học tập

- Vì sao phải dạy cách sử dụng công nghệ thông tin phục vụ học tập?

Hiện nay, việc sử dụng công nghệ thông tin vào trong học tập là một khâu quan trọng trong quá trình đổi mới phương pháp học của sinh viên, giúp người học chủ động trong nghiên cứu, tìm tri thức và để tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập của mình.

Thông tin từ Internet đem lại mang tính cập nhật, có hình ảnh, video, mô phỏng tạo sự chú ý, hứng thú cho người học. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thông tin của sinh viên chủ yếu là ngoài lớp học và thường tự tìm kiếm, tài liệu thu thập tản mạn, sinh viên gặp khó khăn trong phân loại.

- Yêu cầu trong dạy cách sử dụng công nghệ thông tin phục vụ môn học:

Khai thác đĩa CD có sẵn, có nội dung phù hợp với môn học. Nội dung liên quan đã được thiết kế đóng gói với những hình ảnh trực quan sinh động về quá trình thiết lập kiến thức mới, giúp sinh viên tin tưởng vào kết quả của các định luật đã phát minh, tạo hứng thú, hình thành động cơ học tập, say mê nghiên cứu, tìm tòi.

Các phần mềm mô phỏng về thí nghiệm, hiện tượng, miêu tả những tình huống có thật hay dự đoán… đã được xây dựng một cách rõ ràng, sinh động và đưa lên các trang web liên quan, sinh viên có thể tải về để tham khảo. Bằng cách lập trình ta có thể khảo sát lại các hiện tượng, hoặc thực hiện các thí nghiệm mô phỏng, giúp sinh viên phát triển ý tưởng của mình. Các phần mềm Mathemathica, Maple, Matlap... không chỉ giúp tìm được nhanh chóng các lời giải của các bài toán phức tạp, mà còn là phương tiện tăng tính hiệu quả của việc học toán.

Sử dụng Internet trong học tập, e-Learning có thể cập nhật, lưu trữ, chia sẻ kiến thức hoặc thông tin một cách tức thời. Cần tăng cường sử dụng e-mail trong tương tác giữa sinh viên với giảng viên để có thông tin hai chiều nhanh chóng về học tập, cũng như việc sử dụng e-mail giữa sinh viên với nhau để chia sẻ nguồn tư liệu và cùng nhau học tập.

3. Kết luận

Trên đây là các nội dung cơ bản trong việc dạy cách học nói chung. Tùy theo từng môn học mà giảng viên vạch ra nội dung cụ thể sát hợp với bộ môn, nhằm hình thành ngay từ đầu cách học cho sinh viên khi mới vào trường đại học và ngay khi bắt đầu học môn học. Việc dạy cách học đã được các trường đại học quan tâm thực hiện, nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Chúng tôi thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc dạy cách học cho sinh viên, xem đó như là một phần học trong chương trình đào tạo, nhằm từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo Đại học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]  Lê Khánh Bằng (2002), Dạy cách học ở đại học, Hà Nội.

[2]  Nguyễn Thành Hải (2010), Phương pháp học tập chủ động ở bậc đại học, Trung tâm Nghiên cứu cải tiến phương pháp dạy và học đại học (CEE).

[3]  Trần Bá Hoành (2003), Lý luận cơ bản về dạy và học tích cực, Hà Nội, 2003.

[4]  Đặng Vũ Hoạt, Hà Thị Đức (1995), Lý luận dạy học đại học, NXB ĐH Quốc Gia, Hà Nội.

[5]  Bùi Văn Quân (2005), Động lực học tập và tạo động lực học tập, Tạp chí Giáo dục, số 127.

[6]  Luật Giáo dục số 38/2005/QH11, Quốc Hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 27/06/2005.

TS. Nguyễn Thị Thanh Tâm