Đề tài NCKH sinh viên: “Đánh giá và nhận xét một số chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam”

Tìm hiểu và phân tích một số chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam, từ đó rút ra được những ưu và nhược điểm của chuẩn mực kế toán quốc tế so với chuẩn mực kế toán Việt Nam...

1. Tính cấp thiết của đề tài:

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền công nghệ thông tin, thị trường tài chính và xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu có rất nhiều nghiệp vụ kinh tế mới đã hình thành và đang phát triển. Nhu cầu minh bạch thông tin tài chính ngày càng đòi hỏi tính cấp thiết phải ban hành mới các chuẩn mực kế toán hướng dẫn việc ghi nhận, xác định giá trị và trình bày thông tin về các công cụ tài chính trong BCTC.

Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, Ủy ban Chuẩn mực BCTC quốc tế trong năm năm qua đã không ngừng sửa đổi, bổ sung, thay thế các chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc tế để đáp ứng đòi hỏi về tính minh bạch thông tin trong điều kiện phát sinh những giao dịch mới hết sức phức tạp. Do đó, tình trạng nhiều điểm không còn phù hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế hiện hành.

Việc ban hành và đưa vào áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, tăng cường tính minh bạch của thông tin tài chính và tạo dựng môi trường kinh doanh phù hợp với tình hình trong khu vực và quốc tế, duy trì niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) đã tiến hành sửa đổi các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và ban hành mới các Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS). Hơn nữa, nền kinh tế thị trường chuyển đổi của Việt Nam đã dần bước sang giai đoạn ổn định và phát triển, các hoạt động kinh tế đã và đang được điều chỉnh bởi các quy luật của thị trường. Do vậy, đã đến lúc Việt Nam cần cập nhật và ban hành mới các chuẩn mực kế toán cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Và đối với những người làm công tác kế toán thì việc nắm vững các kiến thức về chuẩn mực kế toán là một yêu cầu cơ bản khi làm việc.

Để góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn, nhằm nâng cao trình độ cũng như chất lượng hoạt động khi ban hành các CMKT mới tại Việt Nam, nhóm chúng tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu đề tài: “Đánh giá và nhận xét một số chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam”.

Do sự am hiểu về lý luận còn hạn chế, lúng túng khi tiếp cận sự khác biệt quá lớn giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế nên bài viết của chúng tôi không tránh khỏi những thiếu sót. Với mong muốn nâng cao kĩ năng thực hành thông qua việc tiếp cận thực tế cũng như mong muốn nắm bắt những vấn đề khó khăn trong việc ban hành mới các chuẩn mực kế toán tại Việt Nam, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo và các bạn đọc để đề tài chúng tôi được hoàn thiện hơn.

2. Mục đích ngiên cứu

* Về lý luận: Khái quát hóa những cơ sở lý luận về một số chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay.

* Về thực tiễn: Tìm hiểu và phân tích một số chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam, từ đó rút ra được những ưu và nhược điểm của chuẩn mực kế toán quốc tế so với chuẩn mực kế toán Việt Nam. Mục đích nhằm đưa ra một số giải pháp phát triển chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng chuẩn mực kế toán quốc tế nhằm góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, tạo dựng mối quan hệ vững chắc với các doanh nghiệp nước ngoài, đưa nền kinh tế của Việt Nam ngày càng đi lên đồng thời tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đưa ra những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi trong các chuẩn mực kế toán Việt Nam nhằm góp phần hoàn thiện hơn hệ thống các chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, tạo dựng mối quan hệ vững chắc với các doanh nghiệp nước ngoài, đưa nền kinh tế của Việt Nam ngày càng đi lên đồng thời tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

* Đối tượng:

  • Nghiên cứu những cơ sở lý luận về các chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán ở Việt Nam hiện nay.
  • Nghiên cứu đánh giá và lựa chọn các chuẩn mực kế toán cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

* Phạm vi nghiên cứu:

Do thời gian có hạn và số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu còn hạn chế nên nhóm chúng tôi chỉ tập trung vào nghiên cứu những điểm giống và khác biệt của ba chuẩn mực kế toán thông dụng thường hay áp dụng tại Doanh nghiệp cụ thể là:

  • Thứ nhất: Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 4 (VAS 4) “Tài sản cố định vô hình” so với Chuẩn mực kế toán quốc tế số 38  (IAS 38) “Intangible Assets”.
  • Thứ hai: Chuẩn mực kế toán Việt Nam số  16 (VAS 16) “Chi phí đi vay” so với Chuẩn mực kế toán quốc tế số 23 (IAS 23) “Borriwing Costs”.
  • Thứ ba: Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 27 (VAS 27) “Báo cáo tài chính giữa niên độ” so với Chuẩn mực kế toán quốc tế số 34 (IAS 34) “Interim Financial Reporting”.

Đồng thời luận văn đề xuất một số giải pháp để phát triển chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng chuẩn mực kế toán quốc tế.

4. Phương pháp nghiên cứu:

* Về mặt phương pháp luận: Bài vết dựa vào phương pháp duy vật biện chứng.

* Phương pháp cụ thể: Bài viết sử dụng phương pháp phân tích – tổng hợp, phương pháp mô tả, phương pháp so sánh, phương pháp nghiên cứu lý thuyết, phương pháp quy nạp, diễn giải,…trong quá trình nghiên cứu lý luận, khảo sát và thu thập thông tin cho việc ban hành mới các chuẩn mực kế toán tại Việt Nam.

5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài:

  • Hệ thống hóa những cơ sở lý luận về các chuẩn mực kế toán tại Việt Nam và trên quốc tế.
  • Bài viết đi sâu tìm hiểu về một số chuẩn mực kế toán tại Việt Nam và trên quốc tế, từ đó rút ra được những ưu nhược điểm của từng chuẩn mực kế toán hiện có tại Việt Nam nhằm làm cơ sở để xây dựng và hoàn thiện hơn trong việc ban hành một chuẩn mực kế toán mới góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, tạo dựng môi trường kinh doanh phù hợp với khu vực quốc tế. Hơn nữa, nhằm đảm bảo hệ thống kế toán Việt Nam luôn phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế ,duy trì niềm tin cho các nhà nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời đưa nền kinh tế của Việt Nam ngày càng ổn định và phát triển hơn nữa.

6. Cấu trúc của bài Nghiên cứu:

Bài viết gồm 3 chương:

  • Chương 1: Tổng quan về quá trình hình thành của chuẩn mực kế toán quốc tế và chuần mực kế toán Việt  Nam
  • Chương 2: Phân tích sự giống và khác nhau giữa chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam
  • Chương 3: Một số giải pháp để phát triển chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng chuẩn mực kế toán quốc tế

Xem bài chi tiết tại đây: Download