Đề tài nghiên cứu khoa học năm 2011

Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của các thầy cô, nâng cao nghiệp vụ giảng dạy và trình độ chuyên môn. Khoa Tài Chính -Kế Toán trường Đại Học Đông Á long trọng tổ chức buổi hội nghị Nghiên Cứu Khoa Học cấp Khoa năm 2011. Buổi hội thảo lần này tập trung nghiên cứu, thảo luận đề tài của Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Trang “Lựa chọn chính sách kế toán trong bối cảnh thay đổi thuế suất thuế thu nhập Doanh nghiệp”.

Sau đây là phần nội dung tóm tắt của đề tài.

Ở nước ta đang tồn tại rất nhiều các loại hình doanh nghiệp, với mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có nhiều chiến lược kinh doanh và các nguồn thông tin tài chính khác nhau nhằm thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, mà các thông tin tài chính này do kế toán cung cấp. Chính vì vậy thông tin kế toán cung cấp ngày càng phát huy tính hữu hiệu trong việc ra quyết định của các đối tượng có liên quan và báo cáo tài chính là công cụ thể hiện thông tin này. Báo cáo tài chính được lập dựa trên cơ sở của chuẩn mực kế toán, các thông tư hướng dẫn mà các chuẩn mực kế toán luôn tạo khoảng không tự do cho các doanh nghiệp lựa chọn, tùy theo từng bối cảnh, thời điểm mà doanh nghiệp có thể làm “đẹp” hơn thông tin trên báo cáo tài chính hoặc “lau chùi” các nội dung cần thiết để đạt được mục tiêu mang tính chủ quan của họ. Vì thế, có nhiều động cơ thôi thúc các nhà quản trị điều chỉnh lợi nhuận mà các đối tượng sử dụng thông tin không thể nhận ra, một trong những động cơ đó là khi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thay đổi thuế suất giảm từ 28% năm 2008 xuống còn 25% năm 2009. Điều này càng có cơ hội thúc đẩy các nhà quản trị thực hiện quản trị lợi nhuận để tiết kiệm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, việc nhận dạng có hay không hành vi điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản trị và kỹ thuật điều chỉnh như thế nào để các đối tượng sử dụng thông tin có được nguồn thông tin chính xác nhằm đưa ra quyết định là một vấn đề rất có ý nghĩa.

Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về sách, báo, internet và các tài liệu tham khảo khác, tôi thấy có một số tác giả đã đề cập đến vấn đề này, song chỉ dừng lại ở việc đưa ra các mô hình ở khía cạnh lý thuyết để chỉ ra các doanh nghiệp có xu hướng vận dụng chính sách kế toán để điều chỉnh lợi nhuận nhưng chưa kiểm nghiệm mô hình này bằng số liệu thực tế và chưa đưa ra cách thức điều chỉnh có thể vận dụng bởi các nhà quản trị.

Nhận thấy được ý nghĩa thiết thực trong việc nghiên cứu hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các doanh nghiệp, tôi đã chọn đề tài “Lựa chọn chính sách kế toán trong bối cảnh thay đổi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp” làm đề tài nghiên cứu khoa học.

Khi luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% năm 2008 xuống còn 25% năm 2009 thì có khả năng các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giảm lợi nhuận chịu thuế để tiết kiệm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Để điều chỉnh lợi nhuận, các doanh nghiệp sẽ vận dụng một cách khéo léo các chính sách kế toán được quy định bởi chuẩn mực kế toán và sự vận dụng này sẽ ảnh hưởng đến số liệu trình bày trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong kỳ. Báo cáo tài chính không những là nguồn cung cấp thông tin cho các đối tượng bên trong mà còn cung cấp thông tin cho các đối tượng khác bên ngoài như cơ quan thuế, các nhà đầu tư, các chủ nợ, các tổ chức tín dụng,…Chính vì vậy việc nghiên cứu sự vận dụng chính sách kế toán trong điều kiện thay đổi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phần nào làm rõ hơn “chất lượng” hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (thông qua chỉ tiêu lợi nhuận), qua đó giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin có liên quan đánh giá khách quan hơn kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và từ đó đưa ra quyết định đúng đắn.

Đề tài này có ý nghĩa thực tiễn giúp các đối tượng sử dụng thông tin có được (luồng) thông tin chính xác nhằm đưa ra các quyết định.

Đề tài gồm 3 chương

  • Chương 1: Cơ sở lý thuyết về sự liên kết giữa thuế và kế toán ở Việt Nam
  • Chương 2: Giả thuyết và phương pháp nghiên cứu.
  • Chương 3: Kiểm nghiệm giả thuyết bằng các mô hình đã lựa chọn.

Nội dung cụ thể mỗi chương được tóm tắt sơ lược như sau:

  • Chương 1: chỉ ra sự giao thoa giữa việc ghi nhận doanh thu, chi phí nhằm xác định lợi nhuận của kế toán và thuế, các nghệ thuật mà các nhà quản trị có thể áp dụng nhằm điều chỉnh lợi nhuận theo ý muốn chủ quan của họ nhưng vẫn hợp pháp (vì đây là một “rổ” các phương pháp do khoảng không tự do mà chuẩn mực kế toán để lại).
  • Chương 2: đưa ra mô hình nhằm nhận dạng hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các nhà quản trị.
  • Chương 3: kiểm định mô hình bằng số liệu thực tế để đi đến kết luận.

Giảng viên: ThS. Nguyễn Thị Minh Trang