Tại hai buổi tư vấn TS do báo Người Lao Động tổ chức, chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” 2016, vào hai ngày 27 và 28/2/2106 ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, rất nhiều học sinh đã bày tỏ sự quan tâm đến phương pháp đào tạo theo hướng thực hành và môi trường học tập của ĐH Đông Á. Đại diện nhà trường, PGS-TS Lê Thị Liên Thanh, Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Đông Á, đã giải đáp thỏa đáng các thắc mắc của các bạn học sinh THPT.
Cơ hội nào cho khối ngành dịch vụ?
HS Gia Hân (Trường THPT Nguyễn Hiền, Quảng Nam) đặt câu hỏi: “Em muốn thi vào ngành du lịch của Trường ĐH Đông Á. Em được biết Trường ĐH Đông Á đào tạo theo hướng thực hành và ứng dụng giúp SV có cơ hội làm việc tốt hơn. Cô có thể cho em biết hướng thực hành đối với ngành du lịch ra sao? Những ngành khác của trường có đào tạo theo hướng này không và em có thể tìm thông tin tư vấn hướng nghiệp của trường ở đâu?”
Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Lê Thị Liên Thanh nói: “Trường ĐH Đông Á từ lâu chủ trương đào tạo theo định hướng thực hành. Tất cả các chương trình đào tạo của nhà trường chú trọng việc thực hành tại trường và tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với ngành du lịch, năm 2015 nhà trường đã ký hợp tác với tập đoàn ROUTE INN của Nhật Bản. Đây là tập đoàn lớn có 251 khách sạn và sẽ xây thêm 50 khách sạn lớn tại Việt Nam, riêng tại Đà Nẵng sẽ có 10 khách sạn mới từ năm 2016 đến 2020. Họ sẽ tuyển dụng sinh viên ngành du lịch và các ngành khác để làm việc trong hệ thống 301 khách sạn này mỗi năm 200 người từ ĐH Đông Á. Như vậy, các em có dự kiến học ngành du lịch năm nay tại Trường ĐH Đông Á thì đến 2020 ra trường được bảo đảm cơ hội việc làm rất lớn.”
Công nghệ thực phẩm, ngành học tiềm năng cho vùng đất Quảng Ngãi
Trong buổi tư vấn TS tại Quảng Ngãi với sự tham dự của khoảng 1.500 học sinh đến từ các trường THPT Sơn Mỹ, Ba Gia, Huỳnh Thúc Kháng,Võ Nguyên Giáp..., rất nhiều bạn HS cũng đã đặt những câu hỏi liên quan đến vấn đề cơ hội việc làm sau khi ra trường, đặc biệt là trong những lĩnh vực thế mạnh của địa phương như sản xuất thực phẩm. Một HS đặt câu hỏi: “Ở Quảng Ngãi có nhiều nhà máy sản xuất thực phẩm. Tại Trường ĐH Đông Á có đào tạo ngành nào liên quan ngành này? Sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm ra trường sẽ làm gì?”
PGS-TS Lê Thị Liên Thanh trả lời: “Học ngành công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Đông Á, các em ra trường có thể làm giám đốc, quản lý kỹ thuật, doanh nhân trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Từ phế liệu của một dây chuyền sản xuất, các em có thể sản xuất ra một sản phẩm khác, nhà máy chỉ còn 1 yếu tố sản xuất là xử lý chất thải dạng lỏng. Điều quan trọng mà người làm kỹ thuật cần có là nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hiện đang rất thiếu ở tỉnh nhà. Việc này chỉ thực hiện được ở các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, hoặc doanh nghiệp có yếu tố đầu tư nước ngoài 100%. Vì lý do đó, kỹ sư về lĩnh vực công nghệ thực phẩm chỉ cần bỏ ra 10% để làm công tác kỹ thuật, còn 90% dành thời gian nghiên cứu phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp. Đây là thước đo khả năng của mỗi người.”
PGS-TS Lê Thị Liên Thanh, Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Đông Á, trả lời tư vấn. Nguồn ảnh: Báo Người lao động
Chuyển về cơ sở mới từ tháng 3, học phí không hề tăng
Nắm bắt thông tin ĐH Đông Á chuẩn bị chuyển về cơ sở mới nằm ngay trong lòng thành phố Đà Nẵng, rất nhiều học sinh thể hiện sự quan tâm đối với môi trường học tập và chi phí theo học tại trường: “Được biết Trường ĐH Đông Á đang xây dựng một trường mới tại Trung tâm TP Đà Nẵng, vậy năm nay SV khóa mới được học ở đây chưa? Học phí có tăng cao không? Ký túc xá ở trường có thuận tiện không?”
Đại diện Trường ĐH Đông Á giải đáp: “Trường ĐH Đông Á sẽ chuyển về cơ sở mới ở số 33 Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngay trung tâm TP Đà Nẵng vào tháng 3 này. Tại đây, các em sẽ được học trong một môi trường hiện đại, thiết bị thực hành tiên tiến, nhiều dịch vụ hỗ trợ thiết thực cho việc học. Cơ sở mới có công viên học tập, có không gian dành cho café sách, có khu thể thao đa chức năng để các em luyện tập ngoại khóa, rèn luyện nâng cao thể chất… Nơi đây còn là nơi hội tụ lễ hội, triển lãm, tổ chức các buổi tọa đàm cùng các doanh nhân hay các sự kiện giao lưu giữa SV Trường ĐH Đông Á với SV đến từ các nước khác… Nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên không chỉ học tập tiếp thu tri thức, bồi dưỡng tâm hồn mà còn có nhiều cơ hội tiếp cận và hội nhập với các giá trị thời đại qua việc học tập, rèn luyện và sinh hoạt tại trường. Phí ký túc xá chỉ khoảng 100.000 cho mỗi tháng.
Phối cảnh cơ sở mới trường ĐH Đông Á tại 33 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng
Về học phí, trong nhiều năm qua, dù giá cả biến động, cả học phí hệ trường công cũng phải điều chỉnh tăng nhưng Trường ĐH Đông Á vẫn giữ ổn định và có nhiều ngành có học phí so với mặt bằng học phí hiện nay thấp nhất. Bên cạnh đó, nhà trường còn có các chế độ học bổng khuyến học và học bổng khuyến tài, mỗi năm thực hiện với giá trị hơn 3 tỉ đồng, các chính sách vay vốn ngân hàng như ở các trường công lập. Ngoài ra, tại ĐH Đông Á còn có các quỹ hỗ trợ sinh viên lúc ốm đau bệnh tật hoặc khi gặp khó khăn, bất trắc trong đời sống. Với tất cả trách nhiệm, nhà trường luôn chia sẻ với SV và gia đình phụ huynh”.
Cũng trong các buổi tư vấn này, PGS-TS Lê Thị Liên Thanh nêu rõ và đề cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của ĐH Đông Á, một trong những mục tiêu giáo dục mà Nhà trường coi trọng hàng đầu, bằng việc mở rộng vòng tay và tạo cơ hội cho HS khuyết tật. Trả lời cho câu hỏi về một trường hợp HS khuyết tật, nói và viết chậm nhưng học lực giỏi và được đặc cách tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016, cô Liên Thanh đã khuyên thí sinh khuyết tật ấy liên hệ với mình và cho biết Nhà trường sẵn sàng xét tuyển đối với những thí sinh khuyết tật có học lực khá, giỏi.
Nguồn tin: Khoa Tài chính - Kế toán(Sưu tầm)