Diễn biến lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975 - Giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam

Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập

Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, Mỹ buộc phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Song, chúng không từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam, tiếp tục viện trợ, tạo điều kiện cho chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Pari.

Mỹ ra sức xây dựng quân đội ngụy Sài Gòn thành một đội quân tay sai “mạnh nhất ở Đông - Nam á”, với số quân trên 1 triệu 10 vạn tên, được tổ chức thành 4 quân đoàn gồm 13 sư đoàn và nhiều lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, với 1.850 máy bay các loại, 1.588 khẩu pháo, 2.074 xe tăng, 1.611 tàu chiến; với hàng triệu tấn vật tư chiến tranh được đưa vào miền Nam trước và sau khi ký Hiệp định Pari. Ngoài ra còn có lực lượng bảo an, dân vệ được trang bị đầy đủ. Chúng liên tiếp đưa ra nhiều kế hoạch chiến tranh với mục tiêu trong 3 năm (từ 1973-1975), chiếm hết tất cả các vùng giải phóng và đặt toàn bộ miền Nam dưới quyền kiểm soát của chúng.

Sau Hiệp định Pari, ở miền Nam Việt Nam đã hình thành hai vùng kiểm soát, hai quân đội, hai chính quyền. Lực lượng vũ trang cách mạng đang đứng vững trên các địa bàn chiến lược quan trọng. Uy tín của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Hội nghị cấp cao của gần 80 nước Không liên kết họp tại Angiê, tháng 9-1973 đã công nhận Cộng hoà miền Nam Việt Nam là thành viên chính thức của Phong trào Không liên kết, công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời là người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Về phía địch, sau khi rút khỏi miền Nam, đế quốc Mỹ đã lún sâu vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Nước Mỹ chìm ngập trong“cuộc khủng hoảng lòng tin”, kinh tế bị suy thoái, nạn lạm phát và nạn thất nghiệp tăng, xã hội bị rối loạn, nội bộ chính quyền và các đảng phái bị chia rẽ sâu sắc. Vụ bê bối Oatơghết lại càng đẩy nước Mỹ vào cảnh bi đát. Níchxơn buộc phải từ chức Tổng thống Mỹ. Viện trợ quân sự của Mỹ cho nguỵ quyền Sài Gòn đã bị cắt giảm dần, từ 1.614 triệu USD năm 1972-1973, phải giảm xuống 1.026 triệu USD năm 1973-1974 và 701 triệu USD năm 1974-1975.

Ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu vấp phải những khó khăn chồng chất không thể khắc phục được. Đạn thiếu, hoả lực chi viện giảm gần 60%, máy bay, xe tăng và nhiên liệu thiếu, sức cơ động giảm 50% buộc Thiệu phải kêu gọi quân ngụy chuyển sang tác chiến theo“kiểu con nhà nghèo”. Chiến lược “chiến tranh diện địa” với mục đích “bảo vệ đến mức tối đa an ninh lãnh thổ” làm cho lực lượng của địch dàn ra trên những địa bàn quá rộng. Với thế trận bố trí phân tán như vậy, quân địch không thể chống đỡ nổi sức mạnh tiến công và nổi dậy đều khắp của quân và dân miền Nam trên các chiến trường.

Tháng 7-1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định nhiệm vụ cách mạng miền Nam sau khi Hiệp định Pari được ký kết. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: Đoàn kết toàn dân, đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao một cách chủ động, linh hoạt, tuỳ theo từng lúc, từng nơi mà kết hợp ba mặt đấu tranh buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam, đồng thời chuẩn bị khả năng tiến lên phản công để giành thắng lợi hoàn toàn”.

Nghị quyết nhấn mạnh: bất kể trong tình huống nào con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng là con đường bạo lực, do đó phải nắm vững chiến lược tiến công. Trong hai năm 1973-1974, quân và dân miền Nam đã đánh bại hầu hết các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, đẩy địch vào thế phòng ngự bị động, phải co về giữ các vùng đô thị và đường giao thông quan trọng.

 

Cho đến cuối năm 1974, tình hình đã có những chuyển biến căn bản. Những điều kiện cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam đang chín muồi. Lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân đã lớn mạnh không ngừng về số lượng và chất lượng. Những binh đoàn cơ động gồm nhiều binh chủng hợp thành ra đời, đã tạo nên những quả đấm mạnh và những mũi nhọn sắc trên các địa bàn chiến lược quan trọng. Các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam đang giữ quyền chủ động tiến công địch trên chiến trường, không những có thể đánh bại được kế hoạch “bình định” lấn chiếm mà còn có sức mở ra những chiến dịch lớn, tiêu diệt những binh đoàn lớn của địch, giải phóng được nhiều vùng đất rộng, đông dân, cả ở vùng đồng bằng và thành phố. Những mạng đường vận tải chiến lược và chiến dịch dài hơn 2 vạn ki lô mét, chạy dọc dải Trường Sơn đến tận vùng Đông Nam Bộ và các chiến trường, những khối lượng rất lớn lương thực, vũ khí, xăng dầu, trang bị được vận chuyển vào chiến trường bảo đảm nhiệm vụ hậu cần cho cuộc chiến tranh giải phóng cuối cùng. Thành tích khôi phục kinh tế trong 2 năm 1973-1974 tạo cho nhân dân miền Bắc khả năng chi viện cao về người và của. Phong trào đấu tranh chính trị ở các vùng đô thị miền Nam đòi đánh đổ chế độ phát xít hiếu chiến độc tài Nguyễn Văn Thiệu, đòi hoà bình, độc lập, dân chủ, dân sinh phát triển mạnh.

Trước tình hình mới, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp tháng 10-1974 và tháng 1-1975 quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976, và dự kiến nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giành được thắng lợi vang dội đầu tiên bằng Chiến dịch Tây Nguyên (từ 10-3-1975 đến 24-3-1975). Mở đầu chiến dịch này là cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột (11-3-1975). Bị choáng váng và sau khi các cuộc điều quân phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột đều bị đánh bại, ngày 14-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu ngụy đã hốt hoảng đi tới quyết định rút khỏi các tỉnh Plâycu, Kon Tum. Cuộc rút quân của địch đã biến thành cuộc tháo chạy hỗn loạn. Đến ngày 24-3-1975, vùng chiến lược Tây Nguyên rộng lớn với hơn 60 vạn đồng bào các dân tộc đã được giải phóng, 12 vạn quân địch đã bị tiêu diệt.

 

Quân giải phóng làm chủ sở chỉ huy sư đoàn 23 ở Buôn Ma Thuột

Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên là thắng lợi của chiến dịch Huế-Đà Nẵng (từ 19 đến 29-3-1975). Từ lúc chiến dịch Tây Nguyên mở đầu, quân và dân Trị-Thiên đã phối hợp hoạt động mạnh, tiến công và nổi dậy ở nhiều nơi. Ngày 19-3-1975 toàn bộ tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Tiếp đó, quân và dân Thừa Thiên-Huế đã hình thành thế bao vây Huế bằng nhiều mũi và khống chế chặn đường rút chạy ra biển và vào Đà Nẵng. Ngày 24-3, Tam Kỳ và Quảng Ngãi được giải phóng. Ngày 26-3-1975, các lực lượng vũ trang nhân dân đã tiến hành hợp vây và cùng với đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng nổi dậy tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên-Huế gồm 4 vạn tên địch, làm chủ thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên.

 

Bộ đội tiến vào giải phóng Huế

Ngày 28-3-1975, pháo binh quân giải phóng mở đầu cuộc tấn công giải phóng Đà Nẵng bằng đòn tập kích hoả lực mãnh liệt vào các vị trí quân sự địch trong thành phố và bán đảo Sơn Trà. Từ các hướng bắc, tây bắc, tây nam và đông nam, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu đã ào ạt tiến vào trung tâm thành phố. Cuộc tiến công Đà Nẵng của các binh đoàn chủ lực, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy đúng lúc kịp thời đã kết thúc sau 33 giờ chiến đấu giành thắng lợi rực rỡ, giải phóng Đà Nẵng-thành phố lớn thứ hai ở miền Nam-tiêu diệt và làm tan rã hơn 10 vạn quân địch, trong đó có cơ quan Bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy, đập nát căn cứ liên hợp quân sự mạnh nhất của địch ở miền Trung. Quân khu 1 ngụy bị xoá sổ. Kế hoạch co cụm chiến lược hòng giữ vùng đồng bằng ven biển của địch vừa triển khai đã bị đập tan.

 

Quân giải phóng làm chủ Sở chỉ huy Quân đoàn I VNCH ở Đà Nẵng

Thắng lợi của chiến dịch Huế-Đà Nẵng và của chiến dịch Tây Nguyên, cùng những thắng lợi trên khắp chiến trường đã đẩy quân địch vào tình thế tuyệt vọng, tinh thần bị suy sụp, tổ chức bị tan rã, chiến lược bị bế tắc. Chính đế quốc Mỹ cũng phải thừa nhận rằng, đây là những đòn hiểm không có cách gì chống đỡ và không có phép gì hồi phục được. Tuy nhiên, với bản chất cực kỳ phản động và ngoan cố, Mỹ-ngụy vẫn tìm mọi cách cố thủ.

Dưới sự đôn đốc của tướng Mỹ Uâyen và với một khối lượng vũ khí do Mỹ viện trợ cấp tốc bằng một cầu hàng không mới từ Băng Cốc (Thái Lan) sang, chúng gấp rút xây dựng phòng tuyến từ Phan Rang trở vào, hòng cố giữ đến mùa mưa, và đề ra một kế hoạch khẩn trương củng cố và tăng cường lực lượng để chuẩn bị cho những trận đọ sức mới. ở khu vực Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng, địch bố trí những lực lượng lớn khống chế các đường dẫn vào thành phố; trên mọi hướng dày đặc các sư đoàn, lữ đoàn bộ binh, các đơn vị thiết giáp, lính dù,v.v...Chúng còn đặt những vật chướng ngại ngăn cản bộ binh, xe tăng quân giải phóng và huy động 3 sư đoàn không quân trực tiếp chi viện.



Tuyến phòng thủ Phan Rang nhanh chóng thất thủ

Tiếp theo cuộc họp ngày 25-3-1975, trong đó có nêu nhiệm vụ cụ thể giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị đã họp nhận định: cuộc Tổng tiến công chiến lược đã giành được thắng lợi cực kỳ to lớn, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2 quân đoàn, giải phóng 16 tỉnh, đưa số nhân dân vùng giải phóng lên 8 triệu; thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Cần có quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng tư năm 1975. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn do một tập thể các ủy viên Bộ Chính trị tại chiến trường (Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng) lãnh đạo, chỉ đạo. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng, trực tiếp làm Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch. Ông Phạm Hùng làm Chính ủy. Trước đó, ngày 25-3-1975, Hội đồng chi viện chiến trường đã được thành lập, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.

Bộ Chính trị cũng đã quyết định tiến hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 9-4 đến ngày 30-4-1975). Từ đầu tháng 4-1975, các binh đoàn chủ lực trên đường hành quân tiến về Sài Gòn đã đánh địch, giải phóng Phan Rang, Bình Thuận, Bình Tuy, Xuân Lộc, đánh chiếm Bà Rịa. Ngày 26-4-1975, cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn bắt đầu. Những trận chiến đấu quyết liệt và những trận bão lửa dữ dội diễn ra trước hết ở hướng đông là hướng địch tập trung nhiều lực lượng và tổ chức chống cự rất điên cuồng. Từ khắp các hướng, năm cánh quân lớn phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương và được sự giúp sức của quần chúng nổi dậy, nhất loạt tấn công địch với sức mạnh vũ bão. Từ ngày 26 đến ngày 28-4, một bộ phận quan trọng lực lượng địch trên tuyến phòng thủ vòng ngoài bị tiêu diệt. Các binh đoàn chủ lực của quân giải phóng xiết chặt vòng vây xung quanh Sài Gòn.

Hoảng sợ trước nguy cơ sắp bị tiêu diệt hoàn toàn, từ ngày 18-4-1975, Tổng thống Mỹ G.Pho ra lệnh di tản gấp người Mỹ ở Sài Gòn bằng một lực lượng không quân và hải quân Mỹ. Ngụy quyền tay sai, sau khi Trần Văn Hương lên thay Thiệu (21-4) rồi Dương Văn Minh lên thay Hương (28-4) đã thực sự lâm vào cảnh tuyệt vọng.

Ngày 30-4, với sự hiệp đồng chiến đấu rất anh dũng của các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, các lực lượng biệt động, tự vệ vùng ven và nội đô, cùng với sự nổi dậy đều khắp và rất kịp thời của quần chúng trong và ngoài thành phố, các cánh quân hùng mạnh đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn-Gia Định: Dinh Độc lập (tức Phủ Tổng thống ngụy), Bộ Tổng tham mưu và Khu Bộ tư lệnh các binh chủng của địch, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát. Nhân dân thành phố Sài Gòn hân hoan chào đón các lực lượng vũ trang, con em của mình và cùng bộ đội truy lùng địch, tước vũ khí của chúng, dẫn đường cho bộ đội, bảo vệ các cơ sở kinh tế và văn hoá. Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Đúng 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, lá cờ Cách mạng được cắm trên nóc Dinh Độc lập. Đây là thời điểm đánh dấu thành phố Sài Gòn-Gia Định hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Trên đà chiến thắng, từ ngày 30-4-1975, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại. Ngày 1-5-1975, toàn bộ lãnh thổ đất liền miền Nam đã được giải phóng.

 

 

Đánh chiếm căn cứ không quân Tân Sơn Nhất (30-4-1975).

Xe tăng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đánh chiếm Dinh Độc lập (30-4-1975).

Tổng thống Ngụy Quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện (30-4-1975).

 

Cùng với các tỉnh ở đất liền, ngày 30-4-1975, các chiến sĩ yêu nước bị địch giam giữ ở đảo Côn Sơn nổi dậy làm chủ hoàn toàn đảo này. Ngày 2-5-1975, quân giải phóng phối hợp cùng nhân dân tiến công và nổi dậy, giành quyền làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quốc. Trước đó, từ những ngày đầu tháng 4-1975, trong quá trình giải phóng các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ, quân và dân miền Nam đã giải phóng một loạt các đảo ở dọc bờ biển. Ngày 14-4, Quân khu 5 phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ.

Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn đội quân nguỵ gồm hơn 1 triệu tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh và các căn cứ quân sự Mỹ-ngụy, đập tan bộ máy ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, xoá bỏ ách thống trị thực dân mới của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tiếp theo chiến công vĩ đại “đánh cho Mỹ cút”, quân và dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 15-5-1975, trên toàn miền Nam đã diễn ra các cuộc mít tinh, diễu hành mừng chiến thắng. ở Sài Gòn, hàng triệu nhân dân đã xuống đường và tham dự cuộc mít tinh lịch sử. Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã có mặt trong cuộc mít tinh trọng thể tại Sài Gòn.

Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ mừng chiến thắng sáng 15-5-1975, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã kêu gọi công nhân, nông dân, các nhà trí thức và đồng bào miền Nam hãy nêu cao tinh thần làm chủ, lao động sáng tạo, xây dựng đất nước, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Ngày 6-8-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố nêu rõ Cộng hoà miền Nam Việt Nam xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ của mình và sẵn sàng thảo luận với Chính phủ và các công ty nước ngoài muốn tham gia việc này.

Ngày 10-9-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời ra Tuyên bố về một số chính sách khôi phục và phát triển kinh tế công thương nghiệp, bài trừ hành động lũng đoạn đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường của bọn tư sản mại bản.

Ngày 22-9-1975, hoàn thành việc thu đổi tiền“Chính quyền Sài Gòn cũ”, phát hành tiền Ngân hàng Việt Nam trên toàn miền Nam. Từ ngày 20 đến ngày 22-12-1975, Hội nghị Đại biểu nhân dân miền Nam đã họp tại thành phố Sài Gòn-Gia Định để nghe báo cáo và phê chuẩn kết quả Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc.

 

Ngày 28-1-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời công bố chính sách khoan hồng, độ lượng đối với những binh sĩ ngụy quân, nhân viên ngụy quyền và đảng viên các đảng phái phản động đã đăng ký trình diện và học tập cải tạo tốt.

 

Nguồn tin: Chính Phủ