Định hướng nghề Kế toán

Nếu bạn yêu những con số, Toán học và tiền bạc, bạn có thể lựa chọn nghề Kế toán.

Bài 1. Những tố chất cần cho nghề kế toán

Những tố chất để thành công trong nghề Kế toán

1.  Học được Toán

  • Khả năng đặc biệt về môn Toán là một lợi thế khi bạn học ngành Kế toán. Môn Toán giúp ích rất nhiều cho công việc liên quan tới những con số, sổ sách, chứng từ trong công việc sau này của bạn.
  • Trong các chương trình đào tạo hiện nay, Toán là môn học bắt buộc và chiếm khá nhiều tiết học trong giáo trình đào tạo. Trong 6 nhóm kiến thức cơ bản, phần kiến thức về tài chính là mảng quan trọng nhất bởi nó gắn liền với quá trình làm việc sau này của bạn. Và đương nhiên, khối kiến thức này có liên quan chặt chẽ đến môn Toán. Tuy nhiên, ngoài kiến thức cơ bản này, bạn còn được học nhiều môn học bổ trợ khác như các môn kinh tế cơ sở, các môn thuộc phần phản lý kinh doanh, ngoại ngữ và tin học...
  • Theo kinh nghiệm của các anh chị đi trước, bạn nên chú ý học tốt môn Xác xuất thống kê và toán cao cấp (cũng là hai môn liên quan đến môn Toán – bạn cần có kiến thức căn bản từ trước). Đây là hai môn cơ bản làm nền tảng để bạn có thể tiếp thu kiến thức Kế toán cũng như hoàn thành công việc sau này.

2.  Cẩn thận

  • Nghề này luôn gắn liền với tài liệu, sổ sách, giấy tờ trong đó chứa đựng những con số “biết nói” về tình hình tài chính của đơn vị vì vậy Kế toán viên phải cẩn thận trong việc giữ gìn tài liệu cũng như tính toán những con số để làm sao chúng “nói” đúng nhất với người sử dụng thông tin.

3.  Trung thực

  • Làm Kế toán là công việc liên quan đến sổ sách, tiền nong. Do vậy bạn cũng cần có tính trung thực. Trung thực với bản thân và trung thực với mọi người, tạo được niềm tin ở mọi người.

Ngoài ra nghề này vẫn đòi hỏi có sự năng động, sáng tạo, có kiến thức tổng hợp để phân tích đánh giá tham mưu cho người sử dụng thông tin đề ra các quyết định đúng đắn.

Tuy nhiên, nếu bạn ưa bay nhảy, hoạt động giao tiếp rộng với cộng đồng thì cần suy nghĩ trước khi chọn nghề Kế toán.

Bên cạnh đó, có một số vấn đề bạn cần lưu ý khi làm việc trong nghề Kế toán:

  • Tinh thần làm việc nhóm rất cao. Bạn sẽ phải liên hệ trực tiếp với hầu hết tất cả các bộ phận trong công ty.
  • Phải luôn cập nhật những kiến thức mới. Các phương pháp kiểm tra chi phí và quản lý hồ sơ hầu như luôn phát triển và đổi mới hàng ngày, hãy chắc rằng mình luôn nắm kịp được chúng.
  • Tóm lại, nghề Kế toán đòi hỏi bạn phải hội tụ đầy đủ những tố chất:
  • Có khả năng tính toán tốt.
  • Có khả năng tư duy tốt.
  • Có khả năng làm việc độc lập.
  • Tính cần cù, chăm chỉ.
  • Thận trọng, cẩn thận, trung thực.

Tự tin trở thành Kế toán giỏi

Hiện nay, nghề Kế toán đang là một nghề được giới trẻ ưa chuộng. Nhiều bạn trẻ băn khoăn không biết mình sẽ phải chuẩn bị những gì để trở thành một Kế toán giỏi trong tương lai? Những bước sau sẽ giúp bạn giải quyết băn khoăn đó.

Bước 1: Chọn trường

Bạn phải chắc chắn rằng mình thực sự giỏi môn Toán khi còn học phổ thông. Bạn nên hỏi giáo viên của mình về khoa Kế toán của trường đại học nào thì tốt nhất. Bạn cũng nên tự lên danh sách khoa Kế toán của các trường đại học và cân nhắc thật cẩn thận trước khi đặt bút đăng ký thi. Bạn mới là người biết chính xác năng lực của mình đến đâu và chính bạn mới là người quyết định chính xác nhất khoa Kế toán của trường nào thì phù hợp với bản thân, mọi ý kiến khác chỉ là tham khảo mà thôi.

Bước 2: Chú tâm học tập

Nghề Kế toán đòi hỏi được đào tạo bài bản, tính chính xác và chân thực cao độ. Khi đã đỗ vào khoa Kế toán của một trường đại học phù hợp, bạn nên cân nhắc đến những khoá học thêm bổ ích để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Dành thời gian thích hợp cho công việc thu nhận kiến thức thực sự là công việc rất quan trọng khi bạn đang ngồi trên giảng đường. Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng những kiến thức cần thiết để sẵn sàng bước vào thực tế.

Bước 3: Rèn luyện kĩ năng bổ trợ

Bạn nên tìm hiểu thật kĩ những yêu cầu mà các công ty thường đặt ra cho nhân viên Kế toán, để rèn luyện cho mình thật thành thạo các kĩ năng cần thiết. Tiếng Anh và vi tính là hai lĩnh vực bạn nhất thiết bạn phải thành thạo nếu bạn muốn trở thành một Kế toán tốt.

Bước 4: Chọn chuyên ngành Kế toán phù hợp

Tìm hiểu xem bạn phù hợp với ngành Kế toán nào: Kế toán tổng hợp, Kế toán thuế, Kế toán bán hàng, Kế toán sổ sách, công nợ…. để rèn luyện mình phù hợp với lĩnh vực đó và khi bắt tay vào làm việc sau này thì không có nhiều bỡ ngỡ.

Bước 5: Làm thêm

Các cơ hội làm thêm những công việc liên quan đến ngành Kế toán hoặc thời gian thực tập khi bạn chuẩn bị tốt nghiệp thực sự là cơ hội vàng để bạn nâng cao tay nghề. Hãy… dấn thân làm những công việc làm thêm để tích luỹ kinh nghiệm, bạn sẽ cảm thấy chúng vô cùng hữu ích trong quá trình xin việc sau này.

Nguồn: tuvanhuongnghiep.vn

Bài 2.  Kỷ nguyên vàng của nghề kế toán

Nghề nghiệp kế toán đang trong một kỷ nguyên vàng, khi mà kế toán viên và các kỹ năng của họ chưa bao giờ cần thiết hơn thế. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vai trò của kế toán viên trong kinh doanh được gia tăng bởi tầm quan trọng và sự phong phú của hoạt động kinh doanh… Ấn phẩm ACCA Accountancy Futures tháng 01/2010 đăng tải chuyên đề kỷ nguyên vàng của nghề kế toán, nhấn mạnh vai trò quan trọng của kế toán viên, đặc biệt là chuyên gia tài chính (CFO) trong thời đại mới.

Kế toán viên ngày càng có vị trí quan trọng.

Ngày nay, kế toán viên đang tham gia và có vai trò tích cực vào mọi hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, sự am hiểu những kiến thức về tài chính là tối cần thiết đối với sự thành công của mỗi doanh nghiệp (DN). Kiến thức, kỹ năng về tài chính không chỉ cần cho người có cấp bậc cao trong DN – Giám đốc tài chính – mà cần thiết và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Các DN đang nhận thức được rằng, một hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả, lành mạnh và vững chắc sẽ gắn nó với từng tế bào của cơ thể DN, và thực sự thiết yếu cho hoạt động kinh doanh ổn định và lành mạnh.

Việc ứng dụng những kỹ năng về tài chính được thực hiện ở các tổ chức, ở mọi khi vực và quy mô, từ DN nhỏ mới thành lập đến công ty đa quốc gia, từ khu vực công đến khu vực tư và các DN niêm yết. Nhưng kiến thức, kỹ năng tài chính không chỉ là nhân tố duy nhất. Khả năng kết nối thành công, chia sẻ tầm quan trọng với các nhóm trong tổ chức để chỉ ra rằng kế toán viên có thể gia tăng giá trị mới là cần thiết để bảo đảm cho cơ hội vàng không bị uổng phí.

Trong những thời kỳ kinh tế bất ổn, rõ ràng, các kỹ năng kiểm soát chi phí của kế toán viên có vai trò sống còn. Nhưng khả năng của kế toán viên chỉ được chứng tỏ khi họ làm tăng giá trị và được nhìn nhận là người gia tăng giá trị khi được đặt vào vị trí trung tâm của tổ chức.

Ngày nay, kế toán viên có vai trò tích cực vào mọi hoạt động kinh doanh

Vì sao kế toán viên lại được coi trọng?

Những năm gần đây, giám đốc tài chính ngày càng có vai trò quan trọng hơn. Họ được ví như người lính gác cho công tác tài chính và là người tăng giá trị bền vững, bởi lẽ giám đốc tài chính có kiến thức sâu rộng về kinh doanh, về các chiến lược kinh doanh. Những kiến thức này sẽ đặt họ vào trung tâm của DN và có lẽ không phải là thảm hoạ nếu các chuyên gia kế toán được nhìn nhận như là một giám đốc điều hành trong ban giám đốc của các doanh nghiệp niêm yết. Ở vị trí trung tâm của DN, có nghĩa là các kế toán viên không chỉ chuyển tải thông tin tài chính tới các cổ đông và tuân theo các quy định của pháp luật mà còn giữ trách nhiệm giữ gìn và phát triển danh tiếng của DN. Giám đốc tài chính có khả năng quản trị các rủi ro, bảo đảm các khả năng chống đỡ trong DN và là người giữ gìn cho các chuẩn mực đạo đức và quản lý tập thể được tốt đẹp…

Tóm lại, họ đã trở thành những chuyên gia tài chính hoàn hảo. Họ phấn đấu để đảm bảo tính kiên định của phương pháp để quản lý công tác kế toán và báo cáo tài chính. Như vậy, những gì được đo lường trong công ty nhất quán với những công bố cổ đông bên ngoài công ty.

Vậy các kế toán viên đã trở thành chuyên gia tài chính hoàn hảo như thế nào? Đặt vai trò của kế toán viên trong toàn bộ hoạt động của một DN sẽ cho chúng ta thấy rõ điều đó. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, kế toán viên là người cố vấn kinh doanh được tín nhiệm nhất, đặc biệt đối với các DN nhỏ và đang phát triển. Trước kia, các giám đốc ngân hàng có thể giữ vai trò là người tư vấn quan trọng nhưng ngày nay điều đó không còn đúng nữa. Nhiều cuộc điều tra chỉ ra rằng có sự xói mòn niềm tin giữ chủ DN và ngân hàng. Và trong bối cảnh đó, sự tín nhiệm đối với kế toán viên trong vai trò là nhà tư vấn càng tăng cao.

Đối với các DN nhỏ, mới khởi nghiệp, chỉ chú trọng đến mục tiêu lợi nhuận trước mắt. Chủ DN có thể khai thác các kẽ hở trên thị trường và đưa ra các quyết định sản xuất, kinh doanh chóng vánh nhưng ngay khi đó, chủ DN phải đối mặt với một loạt vấn đề trong các lĩnh vực như cấu trúc DN, đầu tư và thuế. Nhưng thời gian mới thực sự là thước đo chính xác để chỉ rõ, các ông chủ DN thực sự cần đến các kế toán viên bởi người kế toán là khối óc của ông chủ, là bàn tay của bạn bè, đồng nghiệp. Tài sản và các khoản nộp thuế, hoàn thuế của DN đề được xem xét kỹ lưỡng bằng nghiệp vụ của kế toán viên. Điều đó khẳng định vì sao các chủ DN lại cần kế toán viên đến như vậy.

Một DN tăng trưởng cần phải dựa trên nguồn tài chính lành mạnh. Sự tăng trưởng có thể có hệ thống. Một ông chủ cảm tính sẽ điều hành DN thẳng tiến về phía trước, nhưng nhiều người khác lại có thể đấu tránh để vượt qua quy mô hiện tại trong một trật tự để. Nhưng khi các DN phát triển hơn, người chủ DN có thể tìm kiếm các nguồn đầu tư và lối thoát. Tuy nhiên, thời điểm này là kỷ nguyên của việc chủ DN trở lại với người tư vấn tín nhiệm – chuyên gia kế toán để được tư vấn, nghe chính kiến của họ về tài chính. Kế toán viên có thể đưa ra xem xét toàn bộ vòng tròn hoạt động kinh doanh, từ khâu khởi đầu, suốt quá trình phát triển đến khi kết thúc. Trong mọi thời điểm, những đóng góp của chuyên gia kế toán sẽ có giá trị lớn.

Như đã biết, trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, sự quan tâm lớn được dành cho vai trò của kế toán bên ngoài, đặc biệt là kiểm toán viên. Nhưng lẽ ra sự quan tâm lớn hơn phải dành cho khu vực nội bộ, đặc biệt là điều hành công tác kế toán.

Trong khi giá trị then chốt từ quản lý kế toán, lợi nhuận và thua lỗ, số dư tiền mặt hay khoản thâm hụt, tài sản hay nợ phải trả có thể được điều hoà theo quy định của pháp luật về kế toán, tầm quan trọng của quản lý kế toán đó là có thể trợ giúp việc kinh doanh, người sử dụng thông tin có thể hiểu các tổ chức đã hoạt động có tính lịch sử và tương lai của nó nằm ở đâu… Có thể đơn giản hơn như đưa ra các thông tin tài chính trên các đồ thị, biểu đồ với những cột và số nơi những xu hướng ít thấy hơn. Các con số, và ý nghĩa của các con số có thể rõ ràng hơn qua con mắt của chuyên gia kinh tế và tài chính…

Các kế toán viên là người cố vấn kinh doanh được tín nhiệm nhất

Nhìn nhận lại vai trò của CFO trong ban giám đốc.

Các giám đốc tài chính có thể giải thích rõ ràng giá trị của báo cáo tài chính cho chủ DN. Trong ban giám đốc, vai trò của giám đốc tài chính là nòng cốt trong lĩnh vực tài chính và các thông tin khác. Trên thực tế, hầu hết các hoạt động có tính tập thể đều có sự dính líu đến tài chính.

Mối quan hệ giữa giám đốc tài chính và giám đốc điều hành quan trọng tương đương. Ở hầu hết các doanh nghiệp, giám đốc tài chính có vị trí thứ hai sau giám đốc điều hành. Một cơ hội cho các giám đốc tài chính để trở thành đối trọng mạnh mẽ hơn đối với một thập kỷ thiếu thận trọng “sùng bái giám đốc điều hành”. Thập kỷ đề cao vai trò của giám đốc điều hành trước các thành viên khác của ban giám đốc đang đi đến hồi kết thúc. Các ưu đãi của ban giám đốc cần được xem xét lại. Vai trò và đóng góp của các thành viên khác trong giám đốc, không phải giám đốc điều hành cũng cần được xem lại. Vai trò của giám đốc tài chính bị tổn thương nếu như không được tăng cường. Nếu giám đốc tài chính chuẩn bị đủ các điều kiện để làm người lãnh đạo quan trọng trong tổ chức. Đó thực sự là một thời điểm tuyệt vời đối với người kế toán trong kinh doanh.

Theo Tạp chí kế toán T4/2010

Bài 3.  Tiềm năng hàng nghề kế toán

Bùi Văn Mai

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VACPA

Công việc kế toán, lập báo cáo tài chính, quyết toán thu chi, quyết toán lỗ lãi có ở tất cả các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty mẹ, tổng công ty, tổ chức, cơ quan, đơn vị, tổ chức nghề nghiệp, các dự án, hợp tác xã, thậm chí có cả ở hộ kinh doanh cá thể…

Với hơn 1 triệu doanh nghiệp, tổ chức và hơn 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, cả nước có hàng triệu người làm kế toán.

Từ trước năm 1990, mọi công việc kế toán đều do người làm kế toán ở các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện.

Từ khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, đa thành phần kinh tế đã xuất hiện loại hình dịch vụ kế toán. Dịch vụ kế toán khá đa dạng, từ xây dựng hệ thống kế toán cho đơn vị kế toán; ghi chép sổ sách kế toán; lập báo cáo tài chính đơn vị; lập báo cáo tài chính hợp nhất; cung cấp phần mềm kế toán; giảng dạy, tập huấn chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán… đều là dịch vụ kế toán.

Dịch vụ kế toán được cung cấp bởi người có Chứng chỉ hành nghề kế toán, là những người có trình độ Đại học và trên Đại học về kế toán, đã làm kế toán ở doanh nghiệp, tổ chức từ 5 năm trở lên hoặc làm trợ lý kế toán ở công ty dịch vụ kế toán từ 4 năm trở lên, có đạo đức nghề nghiệp độc lập, trung thực… đã tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề kế toán gồm 5 môn, được Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp chứng chỉ hành nghề kế toán.

Ngoài ra, để được hành nghề cung cấp dịch vụ kế toán, người có chứng chỉ hành nghề kế toán phải cập nhật kiến thức mỗi năm từ 40h trở lên và phải đăng ký hành nghề với Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA).

Qua đây chúng ta phải khẳng định rõ ràng rằng: Người làm kế toán ở Doanh nghiệp hiện nay không và chưa phải là người hành nghề kế toán.

Trong tương lai công việc kế toán ở doanh nghiệp tổ chức sẽ được thay thế dần bằng việc cung cấp dịch vụ kế toán hoặc người làm kế toán ở Doanh nghiệp cũng cần có chứng chỉ hành nghề kế toán…

Dịch vụ kế toán xuất hiện trong thực tiễn từ 13/05/1991 khi Bộ Tài chính thành lập 2 công ty VACO và AASC và được pháp luật thừa nhận chính thức từ năm 2003 tại Luật Kế toán, đến nay Bộ Tài chính mới cấp được 130 chứng chỉ hành nghề kế toán. VAA mới lập được Danh sách đăng ký hành nghề kế toán của 26 công ty dịch vụ kế toán với 63cá nhân hành nghề kế toán.

Như vậy hàng triệu người làm kế toán ở doanh nghiệp và tổ chức sẽ dần dần được thay thế bằng dịch vụ kế toán hoặc được thực hiện bởi người có chứng chỉ hành nghề kế toán. Vậy tiềm năng của hành nghề kế toán quả là to lớn, rộng mở tưởng như không có giới hạn.