(Tài Chính) - Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định mới có lợi cho người nộp thuế (NNT). Việc sửa đổi luật lần này được thực hiện khá công phu, toàn diện, phù hợp với định hướng của Chính phủ là hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN.
Kéo dài thời hạn khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Một trong những điểm mới rất đáng chú ý của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này, đó là quyền của NNT được mở rộng hơn rất nhiều so với luật hiện hành. Theo đó, ngoài 10 quyền của NNT đã được quy định trong luật hiện hành, dự thảo đã bổ sung thêm 2 quyền nữa. Cụ thể, tại khoản 4, Điều 17 dự thảo quy định: “NNT được hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn”.
Ngoài ra, tại khoản 10, Điều 17 cũng quy định, NNT không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do NNT thực hiện theo văn bản của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của NNT. Quy định mới này được cho là đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho NNT đối với các trường hợp vì lý do nào đó, cơ quan thuế đã xác định không chính xác số thuế phải nộp, gây thiệt hại cho NNT.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã sửa đổi quy định về thời hạn khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ 90 ngày thành 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (điểm c, khoản 2, Điều 45). Như vậy, quy định trong dự thảo đã kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn quyết toán thuế mà NNT phải thực hiện theo luật hiện hành.
Đánh giá về quy định này, bà Nguyễn Thị Huệ - Công ty TNHH tư vấn thuế CHC cho rằng, việc tăng thời hạn quyết toán thuế từ 90 ngày lên 120 ngày sẽ giúp NNT có thêm thời gian chuẩn bị tài liệu và thu thập chứng từ phục vụ cho quyết toán. “Ngoài ra, thời hạn quyết toán thuế TNCN khác với thời hạn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và báo cáo tài chính sẽ làm giảm tải công việc của kế toán tại cùng một thời điểm, giúp cho NNT có thời gian kiểm tra kỹ và tránh được những sai sót xảy ra”, bà Huệ nói.
Được khai bổ sung khi đã công bố quyết định thanh tra
Một trong những điểm mới khác rất đáng chú ý của dự thảo luật, đó là: “Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, thì NNT vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung làm tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế đã được hoàn, giảm số thuế được miễn, giảm thuế, NNT có trách nhiệm nộp đủ số thuế còn thiếu, tiền chậm nộp. Đối với trường hợp này, NNT không bị xử phạt về hành vi khai sai, nhưng phải nộp bổ sung 10% trên số tiền thuế khai thiếu” (khoản 2, Điều 48).
Liên quan đến quy định này, bà Nguyễn Thị Huệ cho rằng, thực tế cho thấy, trong quá trình thanh, kiểm tra, có thể cơ quan thuế không thể kiểm tra được toàn bộ các nghiệp vụ phát sinh của DN. Do đó, có thể không phát hiện hết các sai sót, nhầm lẫn của DN trước khi kết luận thanh tra, kiểm tra được công bố. Tuy nhiên, khi DN tự kiểm tra, đã phát hiện ra và xin khai bổ sung. “Nếu được khai bổ sung, sẽ tạo cơ hội cho DN được sửa chữa, hoặc bổ sung số thuế phải nộp, phản ánh lại đúng các giao dịch kinh tế phát sinh”, bà Huệ nói.
Cũng liên quan đến nội dung kê khai và nộp thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định thời hạn nộp tiền thuế khai bổ sung là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót. Đồng thời, bổ sung quy định nộp thuế TNDN tạm nộp theo quý, chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau (khoản 1, Điều 56). Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho NNT khi thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
* Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội:
Tạo dựng niềm tin từ người nộp thuế
Những thay đổi này cũng gỡ được một số vướng mắc về mặt pháp lý trên thực tế (ví dụ như bổ sung quy định NNT được khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố kết luận thanh tra, kiểm tra thuế) và hạn chế được tình trạng đối tượng NNT bị oan, sai hoặc chịu thiệt thòi do lỗi của cán bộ quản lý thuế hoặc do các nguyên nhân khách quan.Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi, tăng quyền cho NNT. Tôi cho rằng, đây là những quy định thiết thực và có ý nghĩa thể hiện quyết tâm của ngành Thuế.
Bên cạnh đó, những sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng quyền cho NNT, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT còn góp phần tạo dựng niềm tin từ phía đối tượng NNT, mang lại những giá trị khích lệ, động viên vô cùng lớn. Niềm tin vào cơ quan thuế và việc nộp thuế chắc chắn sẽ là điểm hóa giải hiệu quả để nâng cao tính tự giác chấp hành quy định pháp luật về thuế của NNT…
* Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:
Tăng tính công khai, minh bạch và đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế
Sau hơn 10 thực hiện, Luật Quản lý thuế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước có nhiều thay đổi, cũng như yêu cầu của hội nhập kinh tế toàn cầu, đòi hỏi Luật Quản lý thuế cần có những sự sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình mới.
Trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung, Luật Quản lý thuế ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu cải cách thuế, cũng như yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế hiện nay. Với lần sửa đổi này, tôi đánh giá cao những điểm mới được đưa vào dự thảo luật, nhằm tạo thuận lợi hơn cho NNT, tăng quyền cho NNT.
Nộp thuế không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là quyền lợi của NNT. Vì vậy, các chính sách, pháp luật về thuế hướng đến tăng quyền cho NNT thể hiện chính sách đang đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, NNT được tạo điều kiện thuận lợi, từ đó đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
* Ông Nguyễn Trọng Cử - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức:
Lấy người nộp thuế là trung tâm
Theo tôi được biết, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung nhiều điểm mới so với luật hiện hành. Chẳng hạn như về quyền lợi của NNT, dự thảo luật đã bổ sung các quyền được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn. NNT không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp NNT thực hiện theo văn bản của cơ quan quản lý thuế.
Bên cạnh đó, về thủ tục khai, tính thuế và nộp thuế, dự thảo luật đã bổ sung quy định thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán; thời hạn được khai bổ sung; thời hạn nộp thuế, tính tiền chậm nộp đối với số thuế phải nộp tăng thêm qua khai bổ sung… nhằm đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch giữa NNT và cơ quan thuế.
Ngoài ra, dự thảo quy định kéo dài thời hạn quyết toán thuế TNCN là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn quyết toán thuế của DN)…
Với những điểm sửa đổi, bổ sung như trên, tôi đánh giá, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở lấy NNT làm trung tâm. Nguồn thu từ thuế là khoản đóng góp của người dân, DN và để phục vụ chính người dân, DN và toàn xã hội. Bởi vậy, mọi chính sách, quy định pháp luật về thuế quan trọng nhất là phải hướng đến tạo điều kiện thuận lợi nhất cũng như hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra cho chủ thể trung tâm - NNT trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, pháp luật về thuế…
Theo Minh Phong - Diệu Thiện - Nhật Minh/thoibaotaichinh.vn