Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Toán tại trường Đại học Đông Á để đáp ứng chuẩn đầu ra
Môn toán là môn học nền tảng cho rất nhiều bộ môn khác trong nhiều ngành ở các trường đại học...
I. Mở đầu
Môn toán là môn học đại cương, bắt buộc trong khung chương trình đối với tất cả các sinh viên trong những năm đầu đại học. Môn toán không chỉ giúp sinh viên rèn luyện, nâng cao khả năng tư duy mà còn phát huy khả năng tự học và sáng tạo. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kết quả học tập bộ môn toán của sinh viên trong các trường đại học đang có xu hướng giảm. Nhằm cải thiện tình hình và nâng cao kết quả học tập của sinh viên Đại học Đông Á, bài viết này đi sâu vào mô tả thực trạng và đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn toán tại trường.
II. Thực trạng
1. Sinh viên:
- Đa số sinh viên hiện nay bị hổng kiến thức rất nhiều ở bậc phổ thông vì vậy dễ chán nản và không ham thích học toán.
- Khả năng tiếp thu của sinh viên còn hạn chế và chưa linh động trong việc xử lý các tình huống toán học đơn giản nên kết quả học tập chưa cao.
- Khả năng phân tích tổng hợp, tư duy còn hạn chế, một số ít không có khả năng vận dụng kiến thức vào bài tập.
- Thói quen học tập từ phổ thông nên sinh viên chưa tự giác học, chưa có động cơ học tập, còn ỷ lại trông chờ vào giảng viên. Thêm nữa các em rất thụ động, không chịu tìm hiểu và luôn làm bài theo kiểu lối mòn.
- Kiến thức sinh viên không đồng đều, đặc biệt là những lớp hệ vừa học vừa làm buổi tối.
2. Giảng viên
- Trong những năm gần đây, hầu hết giảng viên đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học toán nhưng vẫn chưa đi vào thực chất và chưa có chiều sâu, chưa triệt để, chỉ mới dừng lại ở việc cải tiến phương pháp dạy học.
- Nhiều giảng viên chuẩn bị bài rất công phu nhưng trong quá trình giảng dạy chưa khơi dậy được niềm say mê và hứng thú học toán cho sinh viên.
- Chưa đánh giá đúng chất lượng và năng lực sinh viên của mình.
- Chưa quan tâm sát sao đến tất cả các sinh viên trong lớp do lớp ghép khá đông dẫn đến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
- Phương pháp giảng dạy chưa phù hợp với nhiều đối tượng sinh viên cùng một lúc.
- Nội dung bài giảng khô khan, chưa ứng dụng thực tế nhiều.
- Chưa mạnh dạn tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng học tập của sinh viên.
III. Giải pháp
1. Sinh viên:
- Đi học đầy đủ.
- Học tập chăm chỉ, có động cơ, mục đích học tập và ý thức phấn đấu trong lớp, tích cực lắng nghe thầy cô giảng bài và đóng góp xây dựng bài.
- Tập trung trong giờ học, tránh làm việc riêng.
- Rèn luyện tính tự học, tự tìm hiểu kiến thức.
- Rèn luyện khả năng tư duy, tự tìm tòi, không trông chờ vào giảng viên. Nếu không biết phải hỏi cụ thể, không giấu dốt.
- Tăng cường nhiều thời gian làm bài tập hơn (không cần chứng minh định lí, chủ yếu vận dụng làm bài tập).
- Tham gia giải bài tập nhóm để có cơ hội hiểu bài hơn.
2. Giảng viên:
- Đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực sao cho phù hợp với từng đối tượng sinh viên. Sử dụng tốt các đồ dùng dạy học, tổ chức học nhóm để nâng cao hiệu quả tiếp thu bài, tự đọc và nghiên cứu giáo trình của sinh viên.
- Mỗi giảng viên khi lên lớp cần chú trọng nhiều đến việc chuẩn bị nội dung bài giảng. Sau mỗi định lý, tính chất cần có ví dụ cụ thể và sau đó đưa ví dụ tương tự cho sinh viên giải hoàn chỉnh.
- Từng bước nâng cao trình độ năng lực của bản thân. Nghiêm túc trong tự kiểm tra đánh giá, rèn luyện kỹ từng nội dung trong chuẩn kiến thức.
- Giúp sinh viên rèn luyện tính tự học bằng cách giao bài tập trước khi đến lớp để sinh viên tự nghiên cứu, tìm hiểu.
- Nắm sát năng lực học tập của từng sinh viên, từng lớp học để từ đó phân loại và đổi mới phương pháp dạy học thích hợp. Ngoài ra, giảng viên nên kết hợp với giáo viên chủ nhiệm để đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng học tập của sinh viên từng lớp.
- Tăng cường cách nhớ cho sinh viên bằng cách đưa vào những ví dụ thật ấn tượng, mang tính thực tiễn giúp sinh viên nhớ tốt hơn.
3. Nhà trường:
- Lớp học nên ghép ở mức độ vừa phải, không quá đông để đảm bảo cho giảng viên quản lý và quan tâm được hết các sinh viên trong lớp.
- Không nên ghép chung bậc đại học và cao đẳng để đảm bảo mức độ, khả năng tiêp thu đồng đều của sinh viên.
- Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho giảng viên Toán.
- Thường xuyên dự giờ, tổ chức các buổi hội thảo, Seminar trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp dạy học toán trong trường cũng như liên kết với các trường đại học khác.
IV. Kết luận
Môn toán là môn học nền tảng cho rất nhiều bộ môn khác trong nhiều ngành ở các trường đại học. Thông qua quan sát và thực tiễn giảng dạy ở Đại học Đông Á, chúng tôi nhận thấy kết quả học tập môn toán của sinh viên trường chúng ta còn chưa cao. Do đó, việc nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn toán là một nhiệm vụ cần thiết và đòi hỏi sự hợp tác của cả nhà trường, sinh viên và giảng viên. Bài viết này mới chỉ là những nhận định chung về tình hình và đưa ra các giải pháp dựa trên sự quan sát và phân tích. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những khảo sát chuyên sâu hơn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ và cải thiện tình hình học toán của sinh viên.
ThS. Nguyễn Thị Hoàng Tâm - ThS. Nguyễn Hồng Nhung - ThS. Phạm Thị Ngọc Minh