Nhóm sinh viên thực hiện đề tài: Phan Thị Kiều Anh, Nguyễn Thị Thảo Hiền, Nguyễn Thị Hoa Mai, Vũ Thị Phương dưới sự hướng dẫn của giảng viên Th.S Nguyễn Thị Thanh Vân.
Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một xu thế tất yếu của mọi nền kinh tế. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung này. Thế nhưng quá trình hội nhập đâu chỉ có cơ hội mà còn có nhiều thử thách và khó khăn buộc chúng ta phải kiên trì và nỗ lực vượt qua.
Một trong những thử thách của quá trình hội nhập là việc hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán để có thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kế toán của Việt Nam bắt nhịp kịp với sự hội nhập kế toán ở các nước có nền kinh tế thị trường và quan trọng hơn là tạo môi trường pháp lý cho hội nhập kinh tế, quốc tế và khu vực.
Các chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay đang được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực kế toán quốc tế để tạo điều kiện cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế xã hội đặc thù của Việt Nam mà việc áp dụng toàn bộ các chuẩn mực kế toán quốc tế vào thực tiễn hoạt động kinh doanh ở Việt Nam là chưa thể thực hiện được. Chính nguyên nhân đó khiến cho các chuẩn mực kế toán Việt Nam dù được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực kế toán quốc tế vẫn có nhiều điểm khác biệt mang tính trọng yếu.
Chính vì vậy, mà việc phân tích và tìm hiểu sự hòa hợp giữa hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế và Việt nam là hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay. Xuất phát từ lý do trên, nhóm chúng tôi đã lựa chọn đề tài: “ Nghiên cứu về hệ thống chuẩn mực kế toán Quốc tế và Việt Nam, xu hướng phát triển của hệ thống chuẩn mực kế toán” làm đề tài nghiên cứu khoa học.
Mục đích nghiên cứu của đề tài
Việc xem xét nghiên cứu những điểm khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các chuẩn mực kế toán quốc tế là cần thiết với nhiều mục đích.
Mục đích thứ nhất là nghiên cứu sự khác biệt giữa hệ thống chuẩn mực kế toán Việt nam so với hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế góp phần cho công tác nghiên cứu và tìm hiểu về xu thế hài hòa các quy định kế toán Việt nam với quy định kế toán quốc tế, giúp cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể thấy được sự khác biệt giữa hai hệ thống chuẩn mực kế toán, từ đó mà doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện hoạt động kế toán tài chính cho doanh nghiệp mình.
Mục đích thứ hai là khi nghiên cứu những khác biệt của chuẩn mực kế toán Việt Nam so với chuẩn mực kế toán quốc tế, chúng ta có thể rút ra được những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi trong các chuẩn mực kế toán Việt Nam góp phần hoàn thiện hơn hệ thống các chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu : Luận văn tập trung nghiên cứu những điểm giống và khác nhau giữa một số chuẩn mực kế toán Việt Nam so với chuẩn mực quốc tế.
Phạm vi nghiên cứu : Do hạn chế về thời gian nên nhóm chúng tôi chỉ tập trung vào nghiên cứu những điểm giống và khác biệt của bốn chuẩn mực kế toán thông dụng thường hay áp dụng tại Doanh nghiệp cụ thể là:
Thứ nhất: Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 2 (VAS 2) “Hàng tồn kho” so với Chuẩn mực kế toán quốc tế số 2 (IAS 2) “Inventories”.
Thứ hai: Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 3 (VAS 3) “Tài sản cố định hữu hình” so với Chuẩn mực kế toán quốc tế số 16 (IAS 16) “Property, Plant and Equipment”
Thứ ba : Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 (VAS 14) “Doanh thu và thu nhập khác” so với Chuẩn mực kế toán quốc tế số 18 (IAS 18) “Revenue”
Thứ tư : Chuẩn mực kế toán Việt nam số 21 (VAS 21) “Trình bày báo cáo tài chính” so với Chuẩn mực kế toán quốc tế số 1 (IAS 1) “Presentation of Financial Statements”.
Đồng thời luận văn đề xuất một số giải pháp để phát triển chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng chuẩn mực kế toán quốc tế.
Phương pháp nghiên cứu
Vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử để nghiên cứu các vấn đề một cách vừa ở tính toàn diện vừa ở tính cụ thể, đảm bảo tính logic của vấn đề nghiên cứu.
Sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như phương pháp qui nạp, diễn giải, phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp phân tích so sánh để phân tích vấn đề, so sánh, đánh giá và rút ra vấn đề.
Kết cấu luận văn
Luận văn gồm có ba chương:
Chương 1: Tổng quan về quá trình hình thành của chuẩn mực kế toán Quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Chương 2: Phân tích sự giống và khác nhau giữa chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Chương 3: Giải pháp để phát triển chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng chuẩn mực kế toán quốc tế.
Xem bài chi tiết tại đây: Download