Những điều bạn cần chuẩn bị trong ngày đầu đi làm

Xin được một công việc tốt là mơ ước của nhiều sinh viên sau khi ra trường. Chắc hẳn khi nhớ đến giây phút căng thẳng, hồi hộp khi ngồi đối diện với nhà tuyển dụng rồi sung sướng khi biết tin mình được nhận vào làm các bạn sẽ rất hạnh phúc. Vậy làm sao để đánh dấu ngày đầu tiên đi làm cho thật đặc biệt và có được thiện cảm tốt từ sếp và các đồng nghiệp? Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn tự tin khi ngày đầu đi làm.

hoc ke toan online

Trang phục bên ngoài là điều rất quan trọng

1. Chuẩn bị đến công ty

Trang phục bên ngoài: Trong ngày đầu đi làm, bạn nên cố gắng dậy sớm để chăm chút bản thân. Nếu có đồng phục thì thật tốt. Nhưng nếu chưa có đồng phục thì bạn nên chăm chút đầu tóc, quần áo, giày dép phải thật gọn gàng và chuyên nghiệp. Bề ngoài tươm tất gọn gàng sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều, đồng thời cũng được đánh giá cao với đồng nghiệp.

Về tâm lý: Bạn nên tìm hiểu trước một số thông tin về công ty, phòng ban nơi mà mình công tác. Tất nhiên lúc phỏng vấn thì chắc chắn bạn đã chuẩn bị câu trả lời cho câu hỏi này. Tuy nhiên, khi đi làm việc, ngoài những thông tin được công khai, bạn cũng nên tìm hiểu một số “luật ngầm” (ví dụ như công ty của bạn chỉ có sếp mới được mang cravat màu đỏ hoặc phòng bạn không thích mở cửa sổ lúc 9h…) để không quá “sốc” hoặc trở thành “kẻ không biết điều” trong mắt đồng nghiệp.

2. Khi đến công ty làm việc

Trong ngày đầu tiên đi làm, tuyệt đối không nên đi trễ. Nhưng cũng không nên đến quá sớm. Tốt nhất là trước giờ làm khoảng 10 phút, vào nhà vệ sinh chỉnh trang lại vẻ bề ngoài sau đó mới vào phòng.

Hãy cố gắng lắng nghe và quan sát. Nếu như khi phỏng vấn, bạn phải nói thật nhiều để chứng tỏ bản thân thì ở ngày đầu tiên đi làm, bạn không cần phải lặp lại điều đó. Sẽ là không khôn ngoan khi vừa đặt chân vào phòng mà bạn đã cố gắng nói thật nhiều để mọi người chú ý đến mình.

hocketoanthuchanh02

Thân thiện với mọi người xung quang là điều cần thiết đối với bạn mới đi làm

Nên tỏ ra thân thiện và cất tiếng chào hỏi mọi người trước. Hãy cố gắng làm thân với một đồng nghiệp nào đó mà bạn cảm thấy thích nhất và đừng vội vàng hỏi ngay vào công việc. Nên tìm hiểu về thói quen của sếp, của các đồng nghiệp khác trong phòng trước.

Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tâm lý cho mọi tình huống. Có thể bạn sẽ “ngồi chơi xơi nước” trong vài ngày đầu để đọc tài liệu và tìm hiểu những quy tắc trong công ty. Hoặc cũng có thể bạn sẽ chạy bở hơi tai vì những việc “không liên quan đến chuyên môn của mình” như photo tài liệu, làm “liên lạc viên” giữa các phòng ban hoặc thậm chí là pha café cho sếp. Không sao, hãy chấp nhận những việc ấy một cách vui vẻ và vô tư. Đây là những điều bình thường đối với một “lính mới”. Và cũng có thể sếp và các đồng nghiệp muốn “thử lòng” bạn.

Thời gian ăn trưa là quãng thời gian vàng. Chính vì vậy, hãy tận dụng triệt để thời gian này để kết thân với những đồng nghiệp khác. Họ sẽ là những “quân sư” không thể tuyệt vời hơn để tư vấn cho bạn những điều hay ho về công việc, về sếp hoặc những “bà cô khó tính” trong phòng.

3. Hết giờ làm việc

Nên nán lại một chút. Đừng nhìn đồng hồ và tỏ thái độ muốn về sớm. Hãy cho đồng nghiệp thấy rằng bạn là một người rất quan tâm đến công việc và không bận tâm đến việc về nhà ngay lập tức.

Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn tự tin, thành công hơn trong ngày đầu đi làm. “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng đừng bỏ cuộc bởi bạn đã rất cố gắng mới có thể có được công việc này.

Sưu tầm