Seminar: Phương pháp giảng dạy tích cực

Nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, đáp ứng nhu cầu đào tạo và tạo điều kiện cho giảng viên trong nhà trường. Trường Đại học Đông Á đã phối hợp với ĐH RMIT tổ chức hội thảo "Phương pháp dạy và học tích cực" trong hai ngày 29 và 30/1/2015 vừa qua.

Các giảng viên đến từ trường Đại học RMIT

Hội thảo có sự tham gia của PGS. Anne Herbert - Giám đốc bộ phận Nghiệp vụ Sư phạm và Công nghệ Dạy học và TS. Joanna Minkiewwicz - Giảng viên ngành thương mại và Tiếp thị ĐH RMIT Việt Nam.

TS. Dương Tấn Diệp – Phó Hiệu nhà trường phát biểu tại buổi hội thảo.

Giảng dạy theo phương pháp tích cực thực chất là tiếp thu mọi tinh túy của phương pháp giảng dạy truyền thống, đồng thời tích cực hóa việc giảng dạy và nhất là việc học tập của sinh viên lên mức tối đa. Tích cực hoá sinh viên trong giờ học, tuỳ theo mức độ hợp tác của sinh viên, công tác chuẩn bị của giảng viên, trình độ giảng viên, thói quen học tập của sinh viên mà tổ chức dạy học tích cực nhiều hay ít để phù hợp với mục tiêu đào tạo.

PGS. Anne Herbert đã hệ thống lại các phương pháp giảng dạy tiến bộ nhất hiện nay nhằm giúp sinh viên có thể chủ động hơn trong việc học tập. Bà đưa ra nhiều dẫn chứng cho sự tối ưu của việc giảng dạy tích cực, đưa sinh viên lên vị trí “công bằng” với giảng viên, được tranh luận, khen thưởng, truy vấn giảng viên của mình. Bà nhấn mạnh các hoạt động tương tác, lồng ghép những ví dụ gần gũi, thực tế vào bài giảng... là vô cùng quan trọng trong việc khuyến khích tinh thần tự học của sinh viên.

Thói quen lười tư duy trong quá trình học đã tồn tại cố hữu trong sinh viên. Có một thực tế là đã qua rồi cái thời thầy đọc trò ghi, thầy nói gì trò chép nấy vì bây giờ giáo trình, tài liệu tham khảo khá đầy đủ. Sự thiếu tích cực trong học tập của sinh viên cũng đã làm giảm sự nhiệt tình trong giảng dạy của giáo viên và như vậy việc dạy và học trở nên nhàm chán và mang tính đối phó. Để thay đổi thói quen này tuy không phải là dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được. Và hơn ai hết, chính chúng ta, những người thầy, người cô phải là người khởi xướng sự thay đổi đó. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi đều cần có thời gian để thích nghi, không nên thay đổi đột ngột mà cần phải tiến hành từ từ, đồng bộ thì mới đem lại hiệu quả cao.

Trong buổi giảng mẫu môn marketing của mình, TS. Joanna Minkiewwicz cũng sử dụng nhiều ví dụ kinh doanh điển hình của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, yêu cầu người học phân tích, biện luận, chứng minh cho lý thuyết của bài giảng. Song song đó, bà dùng những câu hỏi thảo luận để người học có thể vận dụng sự hiểu biết của mình trả lời. Lớp học trở nên sôi động hơn khi cả thầy lẫn trò đều phải liên tục hoạt động và khám phá kiến thức mới.

Buổi giảng mẫu của giảng viên đến từ Đại học RMIT, các học viên được chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận.

Sau buổi học mẫu, nhiều thầy cô nhận định, các kỹ năng giảng dạy tích cực này áp dụng tại ĐH Đông Á từ khá lâu, nhưng lần này đã được PGS. Anne Herbert và TS. Joanna Minkiewwicz hệ thống lại một cách khoa học hơn, dễ biến hóa và áp dụng hơn. Điều này sẽ giúp cho sinh viên thích nghi với môi trường học tập chất lượng cao tại đại học nhanh hơn.