Seminar: Phương pháp giảng dạy tích cực

Nằm trong chuỗi hoạt động tích cực đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực của người học nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, đáp ứng nhu cầu đào tạo và tạo điều kiện cho giảng viên của khoa được nói lên những ý kiến của mình. Chiều ngày 05/01/2016, Khoa Tài chính – Kế toán đã phối hợp với phòng Nghiên cứu khoa học tổ chức thành công buổi hội thảo "Phương pháp giảng dạy tích cực".

Đến dự buổi Seminar có TS. Trần Thanh – Trưởng phòng Khoa học trường Đại học Đông Á, ThS.Trương Văn Trí – Phó khoa Tài chính – Kế toán, tổ trưởng các bộ môn kế toán tài chính cùng toàn thể giảng viên của Khoa tham dự.

ThS. Trương Văn Trí – Phó khoa Tài chính – Kế toán phát biểu tại buổi hội thảo

Hội thảo là nơi gặp gỡ và trao đổi các vấn đề về phương pháp giảng dạy tích cực trong đó tư tưởng chủ đạo là hướng vào “kết quả đầu ra”. Chủ đề hội thảo cũng chính là một nội dung quan trọng và hữu ích đối với các giảng viên trong việc áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra của sinh viên.

TS. Trần Thanh – Trưởng phòng Khoa học trường Đại học Đông Á.

Giảng dạy theo phương pháp tích cực thực chất là tiếp thu mọi tinh túy của phương pháp giảng dạy truyền thống, đồng thời tích cực hóa việc giảng dạy và nhất là việc học tập của sinh viên lên mức tối đa. Tích cực hoá sinh viên trong giờ học, tuỳ theo mức độ hợp tác của sinh viên, công tác chuẩn bị của giảng viên, trình độ giảng viên, thói quen học tập của sinh viên mà tổ chức dạy học tích cực nhiều hay ít để phù hợp với mục tiêu đào tạo.

Thói quen lười tư duy trong quá trình học đã tồn tại cố hữu trong sinh viên. Có một thực tế là đã qua rồi cái thời thầy đọc trò ghi, thầy nói gì trò chép nấy vì bây giờ giáo trình, tài liệu tham khảo khá đầy đủ. Sự thiếu tích cực trong học tập của sinh viên cũng đã làm giảm sự nhiệt tình trong giảng dạy của giáo viên và như vậy việc dạy và học trở nên nhàm chán và mang tính đối phó. Để thay đổi thói quen này tuy không phải là dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được. Và hơn ai hết, chính chúng ta, những người thầy, người cô phải là người khởi xướng sự thay đổi đó. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi đều cần có thời gian để thích nghi, không nên thay đổi đột ngột mà cần phải tiến hành từ từ, đồng bộ thì mới đem lại hiệu quả cao.

Các giảng viên trình bày bài tham luận của mình

Trong phần thảo luận, hầu hết các ý kiến cho rằng, việc áp dụng phương pháp giảng tích cực với sự tham gia của người học là cần thiết và tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, cần có sự linh hoạt trong mức độ áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực cho từng đối tượng học viên và cho từng hình thức đào tạo khác nhau. Ngoài ra, do đặc thù của từng môn học, khi áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực cũng cần cân nhắc đến nội dung và mối liên hệ với thực tiễn của từng môn học. Một điểm hạn chế của phương pháp này là nó chỉ có thể áp dụng hiệu quả với các quy mô nhỏ, đảm bảo được tính tương tác và chủ động của sinh viên. Đối với quy mô lớp học lớn, việc áp dụng phương pháp này sẽ gặp khó khăn và có yêu cầu cao về học liệu cũng như cơ sở vật chất của phòng học.

Kết luận hội thảo, ThS. Trương Văn Trí đã nhấn mạnh đến sự khác biệt xuyên suốt của việc giảng dạy tích cực và đề nghị các giảng viên của Khoa Tài chính – Kế toán từng bước áp dụng một cách sáng tạo phương pháp giảng dạy tích cực vào thực tiễn giảng dạy của mình ở mọi cấp độ khác nhau.