Các thành viên trong khoa đã cùng nhau thảo luận về Siminar "Sự thay đổi luật Công đoàn áp dụng từ ngày 1/1/2013"
Phần I: Nội dung
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân trình bày nội dung Luật công đoàn sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Cụ thể:
Ngày 20.6, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật công đoàn ( sửa đổi) với với 450/474 số phiếu tán thành (chiếm 90,18%). Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Luật công đoàn được thông qua tạo hành lang pháp lý mới cho tổ chức công đoàn hoạt động.
Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 6 chương, 33 điều - tăng 2 chương và 14 điều so với Luật Công đoàn năm 1990. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự án luật, Tổng LĐLĐVN (cơ quan soạn thảo) cùng với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) và Quốc hội đã thực hiện triệt để nguyên tắc cụ thể hoá các quy định về công đoàn trong một số văn bản pháp luật đã khẳng định được tính hợp lý trong quá trình thực hiện, hạn chế tối đa việc phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, theo PCT TLĐLĐVN Mai Đức Chính, do phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật khá rộng, cũng như vì lý do kỹ thuật lập pháp, nên nhiều vấn đề cụ thể không thể đưa chi tiết vào luật được mà sẽ do các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật quy định.
Luật công đoàn lần này có rất nhiều nội dung mới được quy định chặt chẽ hơn so với Luật công đoàn năm 1990. Trong đó một số điểm đáng chú ý là:
Một là: Tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ trích nộp kinh phí CĐ bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH, cho dù cơ quan, tổ chức, DN đó đã thành lập được CĐ cơ sở hay chưa.
Theo Điều 26 Luật CĐ (sửa đổi) quy định tài chính CĐ như sau: Điều 26: Tài chính công đoàn: Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Theo luật Công đoàn năm 1990cụ thể, mức trích nộp kinh phí Công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương theo ngạch, bậc hoặc tiền lương phải trả cho người lao động và các khoản phụ cấp lương (nếu có) đối với cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp; bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động Việt Nam đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh)
Hai là: Không cho phép LĐ là người nước ngoài gia nhập CĐVN:
Tại khoản 2, Điều 5 trong dự thảo Luật CĐ sửa đổi đã quy định: Không quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài.
Theo luật Công đoàn năm 1990 không có quy định cụ thể.
Ba là: Thêm cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn:
Về việc bảo đảm cho cán bộ công đoàn hoạt động, UBTVQH cho rằng, cán bộ CĐ không chuyên trách vừa phải thực hiện trách nhiệm đối với người sử dụng LĐ như đã cam kết trong hợp đồng lao động, vừa có trách nhiệm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ với tư cách là cán bộ CĐ. Trong quan hệ với người SDLĐ, cán bộ CĐ luôn ở vị trí yếu thế. Do đó, Luật CĐ cần phải có cơ chế đặc thù để thu hút NLĐ tham gia tổ chức CĐ nói chung và hoạt động CĐ nói riêng, đồng thời góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ CĐ không chuyên trách trong quan hệ với người SDLĐ. Để bảo đảm tính thống nhất với BLLĐ (sửa đổi), Quốc hội đã thông qua Luật CĐ (sửa đổi) trong đó có khoản 1, Điều 25 quy định: “Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ”.
Theo luật Công đoàn năm 1990 không quy định cụ thể
Bốn là: Không đổi tên Tổng LĐLĐVN sang Tổng Công đoàn Việt Nam:
Về hệ thống tổ chức và tên gọi của công đoàn các cấp (điều 7 của dự thảo Luật CĐ sửa đổi), có ý kiến tán thành với đề xuất đổi tên gọi của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”; có ý kiến đề nghị cân nhắc việc đổi tên “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”, vì cho rằng quy định như vậy là không phù hợp với quy định tại Điều 10 Hiến pháp và quyền quyết định tên gọi của mình của Đại hội Công đoàn và Điều lệ CĐVN.
Tuy nhiên, việc quy định tên gọi cụ thể của tổ chức CĐ trong Luật CĐ cũng liên quan trực tiếp đến một số quy định trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” trong luật và đã được QH thông qua.
Phần II: Phần đóng góp ý kiến của các thầy cô:
Cô Phương: như vậy, trích kinh phí công đoàn từ nay đều dựa trên lương cơ bản chứ không phải lương thực tế. Khi truyền đạt cho sinh viên nên nhắc lại nội dung này và toàn bộ các khoản trích theo lương đều tính trên 1 mặt bằng chung là lương cơ bản (quỹ lương sử dụng trích Bảo hiểm xã hội).
Cô Hải: trên thực tế, ngoài 2% trích kinh phí công đoàn để nộp theo quy định, các doanh nghiệp và đơn vị còn thường thu thêm 1 % công đoàn phí trực tiếp từ người lao động để có đủ quỹ cho hoạt động công đoàn cơ sở (khoản thu này là khoản thu mang tính chất tình nguyện, không thể hiện trên sổ sách kế toán).
Cô Lệ Huyền: Giữ nguyên tên tổ chức công đoàn là lựa chọn tốt vì đó là tên do Bác Hồ đặt và đã ăn sâu vào tiềm thức người dân VN. Tên gọi đó cũng khẳng định công đoàn là tổ chức của người lao động.
Phần III: Kết luận
Tất cả giáo viên trong khoa thống nhất với những nội dung bài seminar về “ Sự thay đổi của Luật công đoàn” cùng những ý kiến đóng góp tại cuộc thảo luận.