Siminar "Tài sản cố đinh"

Ngày 07/05/2013, tại VP khoa Tài chính - Kế toán, các thành viên trong khoa đã cùng nhau thảo luận về Siminar "Sự thay đổi ghi nhận đối với TSCĐ trong năm 2013"

Cô Phạm Thị Xuân Thuyên giới thiệu về thông tư 203/2009/TT-BTC và thông tư 45/2013/TT-BTC.

Cô Phạm Thị Xuân Thuyên trình bày những điểm mới trong thông tư 45/2013/TT-BTC về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ mà các giáo viên cần phải nắm để có hướng điều chỉnh bài giảng, bài tập và truyền đạt trong quá trình giảng dạy:

Vừa qua ngày 25/04/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Theo đó thì việc tính và trích khấu hao được thực hiện đối với từng tài sản cố định (TSCĐ) và áp dụng cho doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Một số điểm thay đổi mới trong nội dung thông tư này như sau:

1. Tiêu chuẩn nhận biết TSCĐ: chỉ thay đổi về giá trị của TSCĐ phải từ 30.000.000 đồng trở lên (so với Thông tư số 203/2009/TT-BTC chỉ có 10.000.000 đồng).

2. Qui định rõ hơn về các chi phí không phải là TSCĐ vô hình bao gồm: Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN.

3. Trường hợp mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, còn TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc thì nguyên giá là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa TSCĐ hữu hình vào sử dụng.

Trường hợp sau khi mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất, doanh nghiệp dỡ bỏ hoặc huỷ bỏ để xây dựng mới thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này; nguyên giá của TSCĐ xây dựng mới được xác định là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.

Những tài sản dỡ bỏ hoặc huỷ bỏ được xử lý hạch toán theo quy định hiện hành đối với thanh lý tài sản cố định.

4. Xác định nguyên giá TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất:

TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất bao gồm:

  • Quyền sử dụng đất được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp (bao gồm quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sử dụng đất không thời hạn).
  • Quyền sử dụng đất thuê trước ngày có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2003 mà đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã được trả tiền còn lại ít nhất là năm năm và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nguyên giá TSCĐ là quyền sử dụng đất được xác định là toàn bộ khoản tiền chi ra để có quyền sử dụng đất hợp pháp cộng (+) các chi phí cho đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, lệ phí trước bạ (không bao gồm các chi phí chi ra để xây dựng các công trình trên đất); hoặc là giá trị quyền sử dụng đất nhận góp vốn.

  • Quyền sử dụng đất không ghi nhận là TSCĐ vô hình gồm:
    • Quyền sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.
    • Thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê (thời gian thuê đất sau ngày có hiệu lực thi hành của Luật đất đai năm 2003, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì tiền thuê đất được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh theo số năm thuê đất.
    • Thuê đất trả tiền thuê hàng năm thì tiền thuê đất được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ tương ứng số tiền thuê đất trả hàng năm.
  • Đối với các loại tài sản là nhà, đất đai để bán, để kinh doanh của công ty kinh doanh bất động sản thì doanh nghiệp không được hạch toán là TSCĐ và không được trích khấu hao.

5.  Đối với các công trình xây dựng cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, doanh nghiệp đã hạch toán tăng TSCĐ theo giá tạm tính do chưa thực hiện quyết toán. Khi quyết toán công trình xây dựng cơ bản hoàn thành có sự chênh lệch giữa giá trị tạm tính và giá trị quyết toán, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại nguyên giá tài sản cố định theo giá trị quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Doanh nghiệp không phải điều chỉnh lại mức chi phí khấu hao đã trích kể từ thời điểm tài sản cố định hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đến thời điểm quyết toán được phê duyệt. Chi phí khấu hao sau thời điểm quyết toán được xác định trên cơ sở lấy giá trị quyết toán tài sản cố định được phê duyệt trừ (-) số đã trích khấu hao đến thời điểm phê duyệt quyết toán tài sản cố định chia (:) thời gian trích khấu hao còn lại của tài sản cố định theo quy định

6.  Xử lý đối với các tài sản cố định đã áp dụng thông tư 203/2009/TT-BTC nay áp dụng thông tư 45/2013/TT-BTC, cần được xử lý như sau:

Đối với các tài sản cố định doanh nghiệp đang theo dõi, quản lý và trích khấu hao theo Thông tư số 203/2009/TT-BTC nay không đủ tiêu chuẩn về nguyên giá tài sản cố định theo quy định tại Điều 2 của Thông tư này thì giá trị còn lại của các tài sản này được phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không quá 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành của Thông tư này.

7.  Về khung thời gian khấu hao TSCĐ: có sự thay đổi về thời gian tối thiểu và tối đa. Tuy nhiên chủ yếu tăng thời gian tối đa lên nhiều so với qui định cũ.

PHỤ LỤC I

KHUNG THỜI GIAN SỬ DỤNG CÁC LOẠI TÀI SẢN CỐ ĐỊNH

Danh mục các nhóm tài sản cố định Thời gian sử dụng tối thiểu (năm) Thời gian sử dụng tối đa (năm) Thời gian sử dụng tối thiểu (năm) Thời gian sử dụng tối đa (năm)
Thông tư 203/2009/TT-BTC Thông tư 45/2009/TT-BTC
A - Máy móc, thiết bị động lực        
1. Máy phát động lực 8 10 8 15
2. Máy phát điện 7 10 7 20
3. Máy biến áp và thiết bị nguồn điện 7 10 7 15
4. Máy móc, thiết bị động lực khác 6 10 6 15
B - Máy móc, thiết bị công tác        
1. Máy công cụ 7 10 7 15
2. Máy móc thiết bị dùng trong ngành khai khoáng 5 10 5 15
3. Máy kéo 6 8 6 15
4. Máy dùng cho nông, lâm nghiệp 6 8 6 15
5. Máy bơm nước và xăng dầu 6 8 6 15
6. Thiết bị luyện kim, gia công bề mặt chống gỉ và ăn mòn kim loại 7 10 7 15
7. Thiết bị chuyên dùng sản xuất các loại hoá chất 6 10 6 15
8. Máy móc, thiết bị chuyên dùng sản xuất vật liệu xây dựng, đồ sành sứ, thuỷ tinh 10 20 10 20
9. Thiết bị chuyên dùng sản xuất các linh kiện và điện tử, quang học, cơ khí chính xác 5 12 5 15
10. Máy móc, thiết bị dùng trong các ngành sản xuất da, in văn phòng phẩm và văn hoá phẩm 7 10 7 15
11. Máy móc, thiết bị dùng trong ngành dệt 10 15 10 15
12. Máy móc, thiết bị dùng trong ngành may mặc 5 7 5 10
13. Máy móc, thiết bị dùng trong ngành giấy 5 15 5 15
14. Máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm 7 12 7 15
15. Máy móc, thiết bị điện ảnh, y tế 6 12 6 15
16. Máy móc, thiết bị viễn thông, thông tin, điện tử, tin học và truyền hình 3 15 3 15
17. Máy móc, thiết bị sản xuất dược phẩm 6 10 6 10
18. Máy móc, thiết bị công tác khác 5 12 5 12
19. Máy móc, thiết bị dùng trong ngành lọc hoá dầu 10 20 10 20
20. Máy móc, thiết bị dùng trong thăm dò khai thác dầu khí. 7 10 7 10
21. Máy móc thiết bị xây dựng 8 12 8 15
22. Cần cẩu 10 20 10 20
C - Dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm        
1. Thiết bị đo lường, thử nghiệm các đại lượng cơ học, âm học và nhiệt học 5 10 5 10
2. Thiết bị quang học và quang phổ 6 10 6 10
3. Thiết bị điện và điện tử 5 8 5 10
4. Thiết bị đo và phân tích lý hoá 6 10 6 10
5. Thiết bị và dụng cụ đo phóng xạ 6 10 6 10
6. Thiết bị chuyên ngành đặc biệt 5 8 5 10
7. Các thiết bị đo lường, thí nghiệm khác 6 10 6 10
8. Khuôn mẫu dùng trong công nghiệp đúc 2 5 2 5
D - Thiết bị và phương tiện vận tải        
1. Phương tiện vận tải đường bộ 6 10 6 10
2. Phương tiện vận tải đường sắt 7 15 7 15
3. Phương tiện vận tải đường thuỷ 7 15 7 15
4. Phương tiện vận tải đường không 8 20 8 20
5. Thiết bị vận chuyển đường ống 10 30 10 30
6. Phương tiện bốc dỡ, nâng hàng 6 10 6 10
7. Thiết bị và phương tiện vận tải khác 6 10 6 10
E - Dụng cụ quản lý        
1. Thiết bị tính toán, đo lường 5 8 5 8
2. Máy móc, thiết bị thông tin, điện tử và phần mềm tin học phục vụ quản lý 3 8 3 8
3. Phương tiện và dụng cụ quản lý khác 5 10 5 10
G - Nhà cửa, vật kiến trúc        
1. Nhà cửa loại kiên cố (1) 25 50 25 50
2. Nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà vệ sinh, nhà thay quần áo, nhà để xe... 6 25 6 25
3. Nhà cửa khác (2) 6 25 6 25
4. Kho chứa, bể chứa; cầu, đường, đường băng sân bay; bãi đỗ, sân phơi... 5 20 5 20
5. Kè, đập, cống, kênh, mương máng, bến cảng, ụ triền đà... 6 30 6 30
6.bến cảng, u triền đà (TT203 không có)     10 40
6. Các vật kiến trúc khác 5 10 5 10
H - Súc vật, vườn cây lâu năm        
1. Các loại súc vật 4 15 4 15
2. Vườn cây công nghiệp, vườn cây ăn quả, vườn cây lâu năm. 6 40 6 40
3. Thảm cỏ, thảm cây xanh. 2 8 2 8
I - Các loại tài sản cố định hữu hình khác chưa quy định trong các nhóm trên 4 25 4 25
K - Tài sản cố định vô hình khác. (TT203/2009/TT-BTC không có)     2 20

Ghi chú: Các giá trị bôi vàng là giá trị thay đổi giữa 2 thông tư

8. Bổ sung vào Tiết k điểm 2.2 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện theo quy định sửa đổi, bổ sung sau:

“k) Quyền sử dụng đất lâu dài không được trích khấu hao và phân bổ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; quyền sử dụng đất có thời hạn nếu có đầy đủ hoá đơn chứng từ và thực hiện đúng các thủ tục theo quy định của pháp luật, có tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì được phân bổ dần vào chi phí được trừ theo thời hạn được phép sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quyền sử dụng đất giao có thu tiền có thời hạn được trích khấu hao để tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp”.

  9. Một số nội dung khác

  • Bỏ định nghĩa “Thời gian sử dụng tài sản” và thay bằng “Thời gian trích khấu hao TSCĐ”.
  • Trước đây doanh nghiệp phải đăng ký phương pháp khấu hao với cơ quan thuế. Tuy nhiên Thông tư lần này chỉ quy định là doanh nghiệp tự quyết định thời gian khấu hao, phương pháp khấu hao và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi thực hiện.
  • Doanh nghiệp chỉ được thay đổi thời gian trích khấu hao của mỗi TSCĐ một lần (đối với trường hợp lựa chọn thời gian trích khấu hao không theo khung quy định tại Phụ lục số 01 của Thông tư 45). Việc kéo dài thời gian trích khấu hao không vượt quá tuổi thọ kỹ thuật của tài sản và không làm thay đổi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại tại năm quyết định thay đổi.
  • Phương pháp trích khấu hao TSCĐ áp dụng cho từng tài sản phải được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình sử dụng TSCĐ. Mỗi tài sản chỉ được phép thay đổi một lần (trước đây được thay đổi hai lần) phương pháp trích khấu hao trong quá trình sử dụng và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/06/2013 và áp dụng từ năm tài chính năm 2013 thay thế cho Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính.

2. Góp ý của các giáo viên:

Cô Trang: Thông tư 45 quy định chế độ quản lý và sử dụng, khấu hao TSCĐ rõ ràng và chặt chẽ hơn so với quy định cũ, nhất là các quy định về ghi nhận TSCĐ vô hình.

Cô Nhung: tăng thời gian khấu hao TSCĐ giúp các doanh nghiệp có thể dãn chi phí khấu hao, giảm chi phí để vượt qua thời gian khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Cô Hải: nên tham khảo bổ sung thêm các phương pháp khấu hao cho doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn như khấu hao đảo chẳng hạn.

Cô Phương: nên quay trở lại áp dụng khấu hao tròn tháng cho đơn giản vì khấu hao ngày mỗi tháng lại có số ngày khác nhau nên mức khấu hao ngày của các tháng sẽ khác nhau. Nếu khấu hao tăng giảm tính theo ngày thì cần thiết kế lại Bảng tính và phân bổ khấu hao và bổ sung thêm nội dung mức khấu hao tăng (giảm) gồm khấu hao tăng (giảm) của TSCĐ tăng giảm trong tháng này và khấu hao tăng (giảm) của TSCĐ tăng giảm trong tháng trước. 

3. Cô Phương kết luận:

Các giáo viên trong khoa cần phải nắm kỹ các điểm thay đổi của chính sách đã được đúc kết trong buổi Siminar để làm cơ sở cho công tác giảng dạy và truyền đạt thông tin.

Các ý kiến đóng góp và nội dung thực hiện công việc trên sẽ được tổ bộ môn ghi nhận và được tính vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên và được giảm trừ vào khối lượng công việc tham gia của cuộc họp lần sau. Biên bản của mỗi cuộc họp sẽ được gửi tới tất cả các thành viên để các thành viên vắng biết được tiến độ thực hiện, các ý kiến đóng góp, từ đó bổ sung thêm các ý kiến phản biện hoặc góp ý thêm để đề tài được hoàn thiện nhất.