(ictdanang)- Trong niềm hân hoan của ngày Hội Trường, khánh thành cơ sở mới (33 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh,quận Hải Châu, TP Đà Nẵng); Thầy và Trò Đại học Đông Á cũng không quên dành trọn những giờ phút thiêng liêng nhất cho chủ quyền Biển-Đảo quê hương, cho những Anh hùng-Liệt sỹ, cho những Người đã ngã xuống khi tham gia trận đánh bảo vệ Gạc Ma-Trường Sa thân yêu
Đoàn viên thanh niên Đại học Đông Á thành kính gửi tặng món quà đến mẹ Huỳnh Thị Kế (ảnh trên) và đo huyết áp khi đến thăm nom mẹ Lê Thị Lan (ảnh tiếp theo)
“2 chủ đề được hòa quyện vào nhau theo một dòng chảy cảm xúc thiêng liêng: Có hôm nay-Nhớ hôm qua, bởi cả dân tộc đang hướng về Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27 tháng 7) và Tháng Đền ơn-đáp nghĩa. Sự kiện của Đại học Đông Á cũng diễn ra trong tháng “Đền ơn đáp nghĩa”, Thầy và trò xác định phải làm một việc gì đó thật cụ thể, thật thiết thực đền đáp công ơn của những người đã ngã xuống cho chủ quyền của đất nước. Điểm đặc biệt là cơ sở mới của Đại học Đông Á hiện nay nằm trên mảnh đất Hòa Cường anh hùng. Chính từ quê hương này, đã có những Người con của Hòa Cường ngã xuống vì Trường Sa thân yêu của mỗi chúng ta” - TS.Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT Nhà trường chia sẻ.
Ngay sau nghi thức chào cờ của Lễ Khánh thành (sáng 23/7/2016), toàn Trường dành phút mặc niệm, tận đáy lòng tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ của dân tộc, đặc biệt là các Liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ Gạc Ma-Trường Sa.
Với tình cảm, lòng thành kính, tuổi trẻ Đại học Đông Á đã cử “Nhóm Tình nguyện viên công tác xã hội” đến thăm nom, dọn dẹp nhà cửa, tặng quà và kiểm tra huyết áp–tim mạch cho các thân nhân Liệt sĩ Trường Sa (hiện còn sống ngay tại địa bàn Hòa Cường).
Đó là các Mẹ: Lê Thị Lan, Hồ Thị Lai, Huỳnh Thị Kế, Lê Thị Muộn; 2 Người cha là Trần Huỳnh, Lê Văn Xuân của các Liệt sỹ Nguyễn Hữu Lộc Trương Quốc Hùng Nguyễn Phú Đoàn Phan Văn Sự Trần Tài Lê Văn Xanh (tất cả đều là chiến sỹ thuộc đơn vị B2-E83 Công binh (các anh hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988).
“Lịch sử Trung đoàn công binh 83 Quân chủng Hải quân (công binh E83) chúng tôi ghi rõ:
Từ cuối năm 1987 đầu năm 1988, tình hình ở quần đảo Trường sa thuộc vùng biển Đông Nam của Tổ quốc đã trở nên phức tạp. Tháng 10/1987, Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã ra lệnh chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao cho các đơn vị thuộc quần đảo Trường Sa và lệnh cho một số đơn vị, trong đó có công binh E83 Quân chủng Hải quân sẵn sàng đi xây dựng, chi viện đảo.
Tháng 1/1988, Trung đoàn đã bắt đầu lần lượt điều các khung đi xây dựng tại các đảo ở quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 3/1988, đối phương tăng cường lực lượng hải quân xuống khu vực quần đảo của ta. Bộ Tư lệnh Quân chủng đã có chỉ thị cho Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ra Trường Sa
6h sáng 14/3/1988, lực lượng vũ trang của đối phương xông vào. Cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương kết thành vòng tròn, kiên quyết bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc.
Đôi bên giằng co quyết liệt. Đối phương nổ súng, bắn vào thiếu úy Phương. Thiếu úy Phương ngã xuống. Vừa lúc ấy, binh nhất Nguyễn Văn Lanh-đoàn E83 (sau trận chiến bảo vệ đảo, được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu vẻ vang: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện Thiếu tá Nguyễn Văn Lanh ở TP Hồ Chí Minh) xông lên.
Lanh vừa đánh bật khẩu súng ngắn trên tay một chỉ huy của đối phương thì một lính khác của đối phương đã dùng lưỡi lê sắc nhọn đâm vào Lanh từ phía sau. Lanh gục xuống, máu chảy nhuộm đỏ dưới chân cột cờ Tổ quốc.
Lanh bị thương nhưng quốc kỳ thể hiện chủ quyền của Tổ quốc trên đảo không đổ.
Trước sự kiên cường của chiến sĩ ta, đối phương rời đảo.
Ngày 16/3/1988, chỉ 2 ngày sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, công binh E83 điều tiếp ngay hai khung của tiểu đoàn 886 và tiểu đoàn 887 xuống 2 tàu của Quân khu 5 đi xây nhà tại quần đảo Trường Sa nằm ở vùng biển đông nam của Tổ quốc”.
Thượng tá Hoàng Hoan, nguyên Chính ủy Trung đoàn công binh 83 Quân chủng Hải quân.
-Ảnh trên: (từ phải sang) GS.TSKH Bùi văn Ga- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí và TS Võ Duy Khương-nguyên Phó CT thường trực UBND TP Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Hội đồng điều phối mang lưới khởi nghiệp, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp TP Đà Nẵng, xem các đầu sách của Tủ sách Chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.
Hướng về Trường Sa, luôn luôn hướng về Trường Sa, tuổi trẻ Đại học Đông Á còn thực hiện “Công trình thanh niên” cấp trường ngay trong khuôn viên cơ sở mới: Bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cách điệu bằng 2 ngôi sao. Bên dưới là dòng chữ khẳng định chủ quyền “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”
Một điểm nhấn khác, là từ nay, với cơ sở mới khang trang, trong khuôn viên Công viên văn hóa đọc tại sân trường cũng như trong Thư viện, nhà trường sẽ dành hẳn không gian giới thiệu Tủ sách chủ đề “Chủ quyền Hoàng Sa–Trường Sa”.
TS.Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT Nhà trường - trao quà đến chú Võ Văn Lựu - chủ tàu QNg 90479
Với truyền thống và tinh thần “Sinh viên Đại học Đông Á-Những công dân trẻ sống có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng”; tuổi trẻ Đại học Đông Á còn quyên góp tự nguyện, làm nên số tiền 20 triệu đồng hỗ trợ chú Võ Văn Lựu – chủ tàu QNg 90479 gặp nạn trên biển vào ngày 9/7/2016.
Món quà nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm, sự chia sẻ, thể hiện trách nhiệm của những người trẻ với gia đình ngư dân đang gặp khó khăn; cùng lời nhắn gửi: Các chú, các ngư dân hãy kiên cường bám tàu, bám biển trên ngư trường truyền thống của Tổ quốc. Hậu phương đất liền luôn luôn bên cạnh những con tàu rẽ sóng ra biển khơi, tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên biển, trên đảo.
Tuổi trẻ Đại học Đông Á với bản đồ "Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam" và "Tủ sách chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa".
Trước đó, Quỹ học bổng Hoa Anh Đào Đại học Đông Á cũng dành 23 phần quà, hỗ trợ gia đình 23 sinh viên quê ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, gặp nhiều khó khăn trong mưu sinh do ảnh hưởng trực tiếp của sự cố ô nhiễm môi trường biển.
Nguồn tin: Thanh Nhã - Sở TT&TT Tp.Đà Nẵng