Trong thời điểm hiện nay, bằng cấp là một trong những điều kiện quan trọng đầu tiên mà nhà tuyển dụng đưa ra mỗi khi muốn tuyển nhân viên mới. Chính vì thế, việc nắm trong tay một số bằng cấp có giá trị cao về chuyên môn sẽ là một điểm cộng rất lớn khi đi xin việc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để sở hữu những tấm bằng cần thiết khi đi xin việc. Vậy nếu như chưa nắm trong tay bằng cấp tương xứng thì liệu nhà tuyển dụng có chấp nhận bạn vào làm việc hay không? Câu trả lời là “Có” nếu bạn sở hữu cho mình những yếu tố sau đây:
1. Chuẩn bị một CV xin việc thật ấn tượng
Đây là việc rất quan trọng đối với ứng viên khi đi xin việc dù bạn có bằng cấp hay không bởi bản CV sẽ thay mặt bạn lấy điểm với nhà tuyển dụng dù chưa gặp mặt. Đối với những người đã “lận lưng” vài ba tấm bằng kha khá thì việc xây dựng bản CV sẽ không quá khó khăn. Còn đối với những người chưa có bằng cấp thì hãy tập trung nhấn mạnh về phần kĩ năng và kinh nghiệm của bản thân. Đồng thời, hãy cho nhà tuyển dụng thấy được sự khác biệt giữa bạn và người “có bằng” là như thế nào để thuyết phục nhà tuyển dụng mời bạn đến gặp mặt. Nếu như nhận được một cuộc gọi hẹn phỏng vấn thì coi như bạn đã thành công ở vòng đầu tiên.
2. Trau dồi thật tốt những kĩ năng mềm:
Có thể bạn hơi bất ngờ nhưng thật sự rằng hiện nay, kĩ năng mềm quyết định đến hơn 50% sự thành công của một công việc. Dù bạn chưa thật xuất sắc về chuyên môn nhưng nếu có kĩ năng mềm tốt, thành công vẫn sẽ đến với bạn. Chính vì thế, trong khi chờ đợi để có trong tay một tấm bằng ưng ý thì chúng ta cũng nên dành thời gian để rèn luyện thêm những kĩ năng mềm.
Tìm việc đúng với chuyên ngành
3. Tận dụng thời cơ để thể hiện khả năng của bản thân
Bằng cấp quả thật quan trọng. Nó là thước đo về kiến thức cũng như khả năng của mỗi người. Tuy nhiên, mọi sự đánh giá đều chỉ mang tính tương đối và bằng cấp chưa chắc đã đánh giá đúng và đủ về khả năng của bạn. Và tâm lý của những nhà tuyển dụng bao giờ cũng muốn tìm một người có tài năng thực sự để có thể cống hiến cho công ty chứ không phải những “nhân viên bù nhìn” cầm trong tay tấm bằng cao ngất nhưng không làm được việc gì. Hãy khéo léo chứng tỏ năng lực bản thân một cách thật thông minh qua những dẫn chứng cụ thể về những gì mình có thể làm được và đã làm được trước đây. Nếu làm tốt, điều này sẽ là một sự thay thế hoàn hảo cho những bằng cấp mà bạn còn thiếu.
4. Nhanh chóng tìm cho mình một tấm bằng thật tốt:
Và hãy thể hiện điều này cho nhà tuyển dụng biết. Khi nhà tuyển dụng đã nhận ra và kiểm chứng những kĩ năng của bạn thì tất nhiên, bằng cấp lúc đó với họ sẽ không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, để có thể chứng tỏ bản thân một cách mạnh mẽ hơn nữa và có thể thăng tiến trong công việc, tốt nhất là bạn nên tìm cho mình một tấm bằng đúng với chuyên môn. Bằng cấp có thể không quan trọng bằng khả năng. Nhưng nó cũng là một công cụ để những kĩ năng của bạn thêm phần giá trị. Và nếu là người thực sự có năng lực thì việc sở hữu một tấm bằng có lẽ là không quá khó.
Tóm lại, bằng cấp chỉ có giá trị khi bản thân chúng ta thực sự có khả năng. Nó không phải là điều kiện quyết định tất cả mọi thứ khi đi xin việc. Chính vì thế, nếu có đam mê, hãy mạnh dạn nộp đơn xin việc và thử sức mình. Nếu là người có đủ “tài” và “đức”, nhà tuyển dụng sẽ luôn mở rộng vòng tay chào đón bạn gia nhập vào đại gia đình của họ.
Nguồn tin: Khoa Tài chính - Kế toán(sưu tầm)