Một trong những dấu ấn rõ nét của ngành Tài chính năm 2014 là công tác cải cách thủ tục hành chính. Điều này có ý nghĩa rất to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cũng như tạo môi trường đầu tư ổn định, phát huy mọi nguồn lực xã hội. Nhiều hoạt động và giải pháp nhằm cải cách mạnh mẽ TTHC đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2014.
Công tác chỉ đạo điều hành quyết liệt
Trên cơ sở các nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 19/NQ-CP , Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính. Theo đó, Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính được cụ thể hóa theo 11 nhiệm vụ trọng tâm giao cho các đơn vị thuộc Bộ tổ chức thực hiện.
Việc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể đã giúp các đơn vị thuộc Bộ Tài chính xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ phải thực hiện, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng đơn vị qua đó giúp việc triển khai công tác này tại Bộ Tài chính được đồng bộ và thống nhất góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó đáp ứng mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan nằm trong nhóm các nước có cùng thời gian thực hiện ở mức trung bình của ASEAN.
Ngày 13/8/2014, Bộ Tài chính đã thành lập Ban chỉ đạo tăng cường quản lý và cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan do Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuốc Bộ Tài chính triển khai các nhiệm vụ được quy định tại Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đạo tăng cường quản lý và cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan. Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng kế hoạch hành động đến hết năm 2014 với 7 nhóm giải pháp và 47 công việc, đề án; Tổng cục hải quan xây dựng kế hoạch với 13 giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường quản lý và cải cách TTHC trong 2 lĩnh vực này.
Từ đó, ngày 22/8/2014, Bộ Tài chính ban hành công văn số 11817/BTC-VP về việc phân công thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg. Theo công văn, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chru yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giải hóa TTHC, chú trọng đẩy mạnh cải cách những TTHC có liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan. Thực hiện rà soát cá văn bản pháp luật về thuế, hải quan để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung để cắt giảm các TTHC không cần thiết theo hướng: đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hậu kiểm.
Thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan như các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp; Hiệp hội tư vấn thuế; Ngân hàng thế giới;... trong việc nghiên cứ đề xuất cắt giảm số giờ thực hiện TTHC thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...
Ngoài ra, Bộ Tài chính có Chỉ thị số 03/CT-BTC về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tỏng quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Để tạo bước chuyển biến, nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Bộ Tài chính tăng cường đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, trong đó tập trung vào một số nội dung và biện như: Tập trung phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế về các chính sách và TTHC thuế, nhất là các quy định mới được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về cải cách TTHC thuế, mục đích, phấn đấu đạt mục tiêu 95% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử vào cuối năm 2014 và 63/63 Cục Thuế tỉnh, thành phố triển khai nộp thuế điện tử vào năm 2015.
Từ chính sách tới hành động
Với mục tiêu nỗ lực thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ góp phần nâng các chỉ số cạnh tranh chính của Việt Nam, đặc biệt là chỉ số thương mại qua biên giới và chỉ số nộp thuế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hoạt động mạnh mẽ nhằm cải cách TTHC đặc biệt trong lĩnh vực thuế với mong muốn những cải cách này sớm đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức hiệp hội nghề, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để điều tra, đánh giá, rà soát và xác định nguyên nhân dẫn đến thời gian nộp thuế cao. Đây là vấn đề quan trọng, là vướng mắc của doanh nghiệp do một số quy định chưa phù hợp thực tế cần nghiên cứu chỉnh sửa.
Theo đó, Bộ Tài chính đã xác định và tập trung vào các giải pháp và chương trình hành động nhằm giảm số lần, thời gian khai, nộp thuế của người nộp thuế qua việc ban hành và trình ban hành Thông tư, Nghị định. Cụ thể:
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung về nội dung và mẫu biểu của 7 Thông tư nhằm cải cách, đơn giản TTHC về thuế. Thông tư đã bãi bỏ, đơn giản nhiều bảng kê; làm rõ căn cứ xác định thuế hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm; sửa đổi, bổ sung nội dung về khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng đơn giản hơn.
Theo tính toán, việc ban hành và triển khai Thông tư 119/2014/TT-BTC đã cắt giảm được 201,5 giờ kê khai, nộp thuế/năm.
Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 (có hiệu lực từ ngày 15/11/2014) sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập các nhân, quản lý thuế. Qua đó, thời gian thực hiện nộp thuế của doanh nghiệp tiếp tục giảm được 88,36 giờ/năm.
Cũng trong tháng 11/2014, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua để ban hành Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế (ngày 26/11/2014 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII). Vì vậy, đến 1/1/2015 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về tại các Luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13) có hiệu lực thi hành sẽ xác định thời gian thực hiện TTHC thuế của doanh nghiệp giảm 80 giờ/năm.
Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế nhằm nhanh chóng đưa bộ Luật này vào cuộc sống.
Với việc ban hành Thông tư 119 và Thông tư 151 (hướng dẫn chi tiết Nghị định 91), thời gian nộp thuế đã giảm được gần 290 giờ. Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật nói trên các thủ tục hành chính thuế đã tiếp tục được đơn giản hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế với việc điều chỉnh, sửa đổi các nội dung quan trọng như: Bỏ bớt một số chỉ tiêu trên tờ khai thuế giá trị gia tăng; bỏ quy định doanh nghiệp phải kê khai các hóa đơn không được khấu trừ thuế hoặc các hóa đơn không phục vụ cho mục tiêu tính thuế; nâng mức doanh thu khai thuế giá trị gia tăng theo quý từ dưới 20 tỷ đồng/năm lên 50 tỷ đồng/ năm; Sửa đổi mẫu Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bỏ quy định người nộp thuế phải ghi mục lục ngân sách trên Giấy nộp tiền; bỏ quy định khai tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý chỉ còn tạm nộp thuế theo quý và kê khai quyết toán năm; bỏ quy định về mức khống chế 1 tỷ đồng về tài sản cố định, máy móc thiết bị đầu tư, mua sắm của doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với các đối với khoản chi có tính chất phúc lợi, chi trực tiếp cho người lao động không quá 01 tháng lương thực tế thực hiện...
Ngoài việc sửa đổi về chính sách, để tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và các Cục thuế công bố công khai số điện thoại để hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp và số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và trả lời những vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Thông tư 119/2014-BTC.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Cụ thể kết quả triển khai đến hết tháng 11/2014, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 3100/TCT-CNTT ngày 07/8/2014 v/v đẩy mạnh khai thuế qua mạng; công văn số 3291/TCT-CNTT ngày 15/08/2014 v/v triển khai mở rộng khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến nay, hệ thống khai thuế qua mạng đã được triển khai cho 63 tỉnh, thành phố với hơn 600 Chi cục Thuế trực thuộc đã được triển khai. Tính đến 22/12/2014 đã có 462.391 doanh nghiệp khai thuế qua mạng, đạt 94,8% số doanh nghiệp đã đăng ký kê khai thuế qua mạng. Hệ thống khai thuế qua mạng đã tiếp nhận và xử lý hơn 19 triệu hồ sơ khai thuế điện tử vào hệ thống quản lý thuế.
Tổng cục thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho NNT những lợi ích thiết thực của việc kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia góp phần thực hiện mục tiêu 95% doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử vào cuối năm 2014 và 63/63 Cục Thuế tỉnh, thành phố triển khai nộp thuế điện tử vào năm 2015.
Việc triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử đã đạt được nhiều kết quả tốt: Triển khai hệ thống dịch vụ nộp thuế cho 10 tỉnh, thành phố trên cả nước; Tổng số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia dịch vụ là hơn 410 doanh nghiệp; Tổng số thu nộp vào NSNN qua cổng thông tin dịch vụ nộp thuế điện tử của cơ quan Thuế là hơn 239 tỷ đồng.
Nguồn tin: Khoa Kế toán - Tài chính (sưu tầm)