Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, tại hội thảo do Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tổ chức mới đây, còn khá nhiều ý kiến khác nhau về mục đích hoạt động, đối tượng và quyền hạn của KTNN.
Mục đích hoạt động quá rộng
Điều 3 dự thảo luật quy định về mục đích hoạt động kiểm toán như sau: “Hoạt động kiểm toán nhà nước phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật”.
Nhiều ý kiến góp ý cho rằng, quy định về mục đích hoạt động của KTNN như dự thảo là không cụ thể, quá rộng, dẫn đến thiếu khả thi. Bởi lẽ, tài chính công, tài sản công là những khái niệm chưa rõ ràng và thống nhất. Mặc dù, những giải thích tài chính công, tài sản công tại điều 4 là đúng nhưng chưa đủ. Tài chính công, tài sản công không chỉ là các khoản tiền (và tương đương tiền) và tài sản nhà nước mà còn bao gồm cả những tài sản chung, không của riêng cá nhân nào như tài chính và tài sản của các hợp tác xã, của cộng đồng dân cư...
Nếu quy định như dự thảo, KTNN sẽ có quyền vào kiểm toán tại các hợp tác xã, kiểm toán vốn đầu tư xây dựng những con đường được xây dựng từ sự đóng góp của cộng đồng dân cư. Điều đó có thực sự cần thiết và có tính khả thi?
Xin đề nghị kế thừa quy định tại điều 3 Luật KTNN 2005: “Hoạt động kiểm toán nhà nước phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”.
Theo đó, đối tượng kiểm toán của KTNN theo dự thảo “là hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” cũng là quá rộng. Nên kế thừa điều 5 của Luật KTNN 2005: “Đối tượng kiểm toán của kiểm toán nhà nước là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”.
Các đơn vị được kiểm toán - quá nhiều và lấn sân
Khoản 10, điều 59 dự thảo luật đưa ra hai phương án về các đơn vị được kiểm toán, gồm: (1) Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và (2) Tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Phần lớn ý kiến tại hội thảo đều đề nghị chọn phương án 1 và có chỉnh sửa như sau: “Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ”. Bởi, nếu quy định doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối hoặc tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước, đối tượng các doanh nghiệp phải qua KTNN sẽ quá lớn, thiếu khả thi. Hơn nữa, KTNN hoạt động bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Những doanh nghiệp Nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ nên để cho kiểm toán độc lập thực hiện sẽ hiệu quả hơn. Bởi lẽ, Luật Kiểm toán độc lập đã được ban hành và chuyển cho kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm dưới 51% vốn điều lệ là thực hiện việc xã hội hóa trong lĩnh vực kiểm toán.
Khoản 13, điều 59 dự thảo luật đưa ra phương án về đơn vị được kiểm toán bởi KTNN gồm “các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế ngoài các đơn vị được kiểm toán quy định từ khoản 1 đến khoản 12 điều này”. Với phương án trên, KTNN sẽ trở thành cơ quan có quyền lực bao trùm toàn xã hội. Bởi, “các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế” sẽ là rất rộng, không chỉ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hộ, cá thể kinh doanh mà bao gồm một số không nhỏ những cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Điều đó có là cần thiết?
Kiểm tra chấp hành nghĩa vụ thuế là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế và cơ quan thanh tra thuế, do đó, không thể để KTNN lấn sân các cơ quan nêu trên, tạo ra sự chồng chéo, gây khó khăn không đáng có cho đối tượng nộp thuế.
Cơ quan “siêu quyền lực”?
Điều 75 dự thảo luật quy định về kiến nghị và giải quyết kiến nghị về KTNN, theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán có quyền kiến nghị xem xét lại đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán. KTNN “có trách nhiệm xem xét, giải quyết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của đơn vị được kiểm toán; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị. Quyết định giải quyết kiến nghị của Tổng KTNN là quyết định cuối cùng”.
Vấn đề quan trọng là, có thể quy định “Quyết định giải quyết kiến nghị của Tổng KTNN là quyết định cuối cùng”? Bởi, như thế đơn vị được kiểm toán đã mất quyền khởi kiện nếu cho rằng quyết định giải quyết kiến nghị của Tổng KTNN chưa đúng và khi đó, KTNN sẽ là cơ quan “siêu quyền lực”!
Để trả lời câu hỏi trên cần xác định KTNN là cơ quan thuộc loại nào? Cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan chuyên môn? Quyết định giải quyết kiến nghị của Tổng KTNN là văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản hành chính?
Khoản 1, điều 118 Hiến pháp 2013 quy định “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật...”. Quy định trên được nhắc lại tại điều 10 dự thảo luật. Song, quy định nêu trên chưa khẳng định, KTNN là cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan chuyên môn.
KTNN không thể là cơ quan quản lý nhà nước vì không thuộc Chính phủ. KTNN cũng không có vị trí như các ủy ban của Quốc hội. Điều 13, Luật KTNN năm 2005 quy định: “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Thiết nghĩ, quy định tại điều 13 Luật KTNN 2005 nêu trên là đúng. Vì vậy, không thể coi quyết định giải quyết kiến nghị của Tổng KTNN là văn bản quy phạm pháp luật và không thể là “quyết định cuối cùng”.
Hiện nay, Kiểm toán độc lập đã có hơn 30 năm hoạt động ở nước ta. Luật Kiểm toán độc lập đã được ban hành. Song, câu hỏi được đặt ra là: báo cáo kiểm toán của KTNN có thay thế báo cáo kiểm toán độc lập và ngược lại? Câu hỏi đó chưa có câu trả lời.
Vì vậy, không ít trường hợp, trong cùng một thời gian, doanh nghiệp phải phục vụ cả hai đoàn kiểm toán và đều thực hiện “theo quy định của pháp luật”. Điều này đã tạo ra sự chồng chéo và khó khăn không đáng có cho các doanh nghiệp có liên quan.
KTNN có vai trò rất quan trọng trong việc giúp Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với việc quản lý tài sản, tài chính nhà nước. Điều đó không ai có thể phủ nhận. Song, không thể vì tầm quan trọng đó mà tạo cho KTNN những “siêu quyền lực”. Do đó, xác định một giới hạn hợp lý cho quyền hạn và hoạt động của KTNN là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất của Luật KTNN (sửa đổi).
(*) Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách - Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam
Nguồn tin: TBKTSG Online