Kiểm toán - nghề đang "nóng"

Hiệp hội Kiểm toán Vương quốc Anh trao bằng Kiểm toán quốc tế cho sinh viên Việt Nam Trong 10 năm tới, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu tăng số lượng công ty kiểm toán với 20.000 kiểm toán viên. Bên cạnh đó, còn nhiều công ty kiểm toán nước ngoài đang quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Sinh viên các chuyên ngành Kế toán và Kiểm toán sau khi tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo rất nhanh.

Kiểm toán - “người nghe”

Kiểm toán bắt nguồn từ thuật ngữ “Audit” trong tiếng Latin. Điều thú vị, từ này có nghĩa là “người nghe”. Vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, chính quyền La Mã đã tuyển dụng các quan chức để kiểm tra độc lập về tình hình tài chính và nghe thuyết trình của họ về kết quả kiểm tra. Từ đó cho đến nay, “Audit” đã trở thành một từ phổ biến để chỉ công việc kiểm tra và bày tỏ ý kiến đối với các báo cáo tài chính. Phạm vi của kiểm toán rất rộng, bao gồm các lĩnh vực khác nhau như: kiểm toán về thông tin, kiểm toán hiệu quả, kiểm toán tính quy tắc và kiểm toán hiệu năng. Chẳng hạn, khi kiểm toán về thông tin, nhân viên kiểm toán sẽ hướng vào việc đánh giá tính trung thực và hợp pháp của các tài liệu. Còn kiểm toán hiệu quả là kiểm tra, đánh giá các nguồn lực trong từng loại nghiệp vụ kinh doanh như mua bán, sản xuất hay dịch vụ… Bạn có thể làm việc ở bộ phận kiểm toán nội bộ của một công ty nào đó hoặc ở các công ty dịch vụ, tư vấn kiểm toán hoặc trong các cơ quan kiểm toán nhà nước.

Có rất nhiều lý do để bạn lựa chọn nghề kiểm toán

Công việc của bạn là phát hiện các sai sót và gian lận trong hoạt động tài chính, kế toán. Nếu bạn thích thử thách và khám phá, bạn luôn có cơ hội để khẳng định mình. Nghề kiểm toán đòi hỏi bạn phải tiếp xúc nhiều đơn vị kiểm toán với các tình huống khác nhau và lúc nào bạn cũng phải vận dụng hết năng lực, óc phân tích và tư duy sáng tạo của mình.

Nghề kiểm toán hứa hẹn cơ hội việc làm rất lớn. Theo Bộ Tài chính, cả nước hiện có khoảng gần 900 kiểm toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề, chưa đủ lực lượng để kiểm toán hàng vạn doanh nghiệp hiện thời.

Mức lương khởi điểm của kiểm toán viên trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài tương đối cao, khoảng 3 triệu đồng/tháng. Thêm nữa, làm việc trong những công ty như thế này, vốn ngoại ngữ của bạn đồng thời cũng tăng lên rất nhiều, vì nghề kiểm toán có tính hội nhập tương đối cao.

Những tố chất giúp bạn thành công

Học kiểm toán ở đâu? Đào tạo kiểm toán được phân chia theo hai hướng cơ bản: đào tạo nghề nghiệp và đào tạo hàn lâm. Bên cạnh đó, một xu hướng đang phát triển là đào tạo hỗn hợp giữa hai hướng trên. Bạn có thể thấy hình thức đào tạo hàn lâm được thực hiện trong các trường đại học và viện nghiên cứu với các cấp học như cử nhân, thạc sĩ (nghiên cứu hoặc thực hành) và tiến sĩ.

Ở Việt Nam, chuyên ngành kiểm toán được mở lần đầu tiên cho sinh viên chính quy dài hạn tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1995. Sau đó, nhiều trường đại học khác đã bắt đầu tuyển sinh hệ chính quy chuyên ngành kiểm toán. Giờ đây, ngoài trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bạn còn có thể học kiểm toán tại nhiều cơ sở đào tạo khác như Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, trường Đại học Thương mại...

Kiểm toán là một nghề đòi hỏi thứ bậc cao, nếu bạn yêu nghề, sau khi học xong đại học rất nhiều loại hình đào tạo nâng cao sẽ chào đón bạn. Loại hình quan trọng nhất trong các hình thức đào tạo nghề nghiệp kiểm toán là đào tạo lấy chứng chỉ nghề nghiệp. Hình thức đào tạo này thường do hiệp hội nghề nghiệp hoặc các tổ chức được ủy quyền thực hiện, như đào tạo lấy chứng chỉ kiểm toán viên quốc gia do Bộ Tài chính cấp, lấy chứng chỉ hội viên của Hội Kế toán viên Công chứng Vương quốc Anh ACCA, chứng chỉ Kiểm toán viên độc lập của Hoa Kỳ CPA, chứng chỉ CA và CPA của Australia... Nếu bạn có niềm đam mê với kiểm toán, và có những tố chất để có thể trở thành một kiểm toán viên giỏi, hãy chuẩn bị cho ước mơ đó ngay từ ngày hôm nay.

Chúc các bạn thành công!

sưu tầm