Gồm 9 chương, 73 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, Luật Kiểm toán nhà nước đã được Quốc hội thông qua với đa số phiếu thuận tại phiên họp sáng 24/6.
Với lần sửa đổi này, nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán từ 7 năm đã được rút xuống 5 năm theo nhiệm kỳ của Quốc hội và có thể được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ.
Không liên đới
Thảo luận tại hội trường về dự án luật ở đầu kỳ họp này, một số vị đại biểu kiên trì và mạnh mẽ đề nghị cần quy định Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm liên đới khi cơ quan thanh tra, điều tra phát hiện sai phạm tại các đơn vị được kiểm toán mà trước đó Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán nhưng không phát hiện được những sai phạm này.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu luật quy định cứng trách nhiệm liên đới đối với các sai phạm do không phát hiện ra tại các đơn vị thì chưa thật hợp lý.
Vì, giữa các cơ quan thanh tra, điều tra và Kiểm toán nhà nước có sự khác biệt về mục đích hoạt động, phương pháp, trình độ nghiệp vụ và phạm vi hoạt động. Trong thực tế, Kiểm toán nhà nước cũng như cơ quan thanh tra, điều tra vì lý do khách quan có thể không phát hiện ra được hết các sai phạm.
Không quy định cứng, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính –Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, trường hợp phát hiện sai phạm mà trong đó có căn cứ, chứng cứ chứng minh Kiểm toán nhà nước hoặc các thành viên đoàn kiểm toán vi phạm hành vi bị nghiêm cấm tại điều 8 hoặc thuộc trách nhiệm của các thành viên trong đoàn kiểm toán, của Tổng Kiểm toán nhà nước thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm toán mọi nơi có tài sản công
Một trong những nội dung còn nhiều quan điểm khác nhau trong quá trình hoàn thiện dự án luật là quy định về kiểm toán liên quan đến doanh nghiệp nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết một số ý kiến đề nghị, những doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống nên để cho kiểm toán độc lập kiểm toán, khi thấy cần thiết Kiểm toán nhà nước chỉ thẩm tra kết quả kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì ở đâu có tài chính công, tài sản công là phải được kiểm toán theo quy định tại khoản 2 Điều 118 của Hiến pháp, không phân biệt đối tượng quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, để phù hợp với năng lực của Kiểm toán nhà nước hiện nay và tình hình quản lý doanh nghiệp nói chung trong nền kinh tế, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật quy định: đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vẫn kiểm toán toàn diện như luật hiện hành.
Còn đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, giao cho Tổng kiểm toán nhà nước trong trường hợp cần thiết thì quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.
Với giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, một số vị đại biểu góp ý cần cân nhắc tính bắt buộc của Báo cáo kiểm toán và cho rằng chỉ có giá trị bắt buộc thực hiện sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp, bộ chuyên ngành, quản lý Nhà nước, Bộ công an, tòa án xác định đó là sai phạm; có ý kiến đề nghị cần có ý kiến của cơ quan cấp trên thì đối tượng được kiểm toán mới thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Cho rằng quy định này không phù hợp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, theo quy định của Hiến pháp, Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Do vậy, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cũng mang tính độc lập, không một cơ quan nào có thể can thiệp và Kiểm toán nhà nước phải chịu trách nhiệm trước kết luận, kiến nghị của mình.
Sưu tầm