Mô hình các hãng kiểm toán quốc tế

Hiện tại có hơn 20 công ty kiểm toán của Việt Nam là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế. Thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế tại Việt Nam có thể có những lợi thế nhất định trong việc cung cấp dịch vụ khách hàng với danh tiếng cũng như trợ giúp kỹ thuật của các hãng quốc tế. Bài viết này cung cấp một số thông tin liên quan đến cấu trúc của các hãng kiểm toán quốc tế cũng như lợi ích của các hãng thành viên với mong muốn đưa ra cái nhìn tổng quát về các hãng kiểm toán quốc tế.

 

Mô hình của các hãng kiểm toán quốc tế

Năm 2002, sau sự kiện Enron, với sự sụp đổ của Arthur Andersen, một trong năm hãng kiểm toán lớn nhất thế giới vào thời điểm đó (Big5), mô hình “một-hãng” (One-firm concept) đã cho thấy hạn chế lớn trong cơ cấu quản trị. Khái niệm mô hình “một-hãng” là nguyên tắc hoạt động theo đó các văn phòng khác nhau của một hãng toàn cầu theo đuổi các giá trị, các chuẩn mực, các quy chế hoạt động như nhau, thống nhất không phân biệt quốc gia hay lãnh thổ. Dưới mô hình này, Arthur Andersen là một thể thống nhất, hoạt động của Arthur Andersen tại Mỹ cũng có ảnh hưởng lớn đến Arthur Andersen tại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Kết quả là sự kiện Enron đã khiến cho Arthur Andersen tại Mỹ sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ toàn cầu của một hãng kiểm toán với hơn 80.000 nhân viên chuyên nghiệp [1]. Từ thời điểm đó, Big5 đã trở thành Big4 như hiện nay.

Rút kinh nghiệm từ bài học của Arthur Andersen, các hãng kiểm toán quốc tế hoạt động toàn cầu, trong đó bao gồm cả Big4, đã chuyển đổi mô hình hoạt động của mình. Khi soát xét báo cáo hoạt động của các hãng kiểm toán quốc tế do Tạp chí Kế toán Quốc tế (International Accounting Bulletin) phát hành, tác giả bài viết nhận thấy có ba mô hình chính mà các công ty kiểm toán đang áp dụng, thay thế cho mô hình “một-hãng” truyền thống, chứa đựng nhiều rủi ro. Ba mô hình đó là mô hình Công ty mạng lưới (Networks), mô hình Mô hình Hiệp hội các công ty uy tín (Associations), mô hình Liên kết (Alliances, Organisations). [2]

Mô hình Công ty mạng lưới (Network firms)

Theo định nghĩa của Chuẩn mực Kiểm toán quốc tế số 220 [3], công ty mạng lưới là một tổ chức lớn hướng tới việc chia sẻ lợi nhuận hoặc chi phí, hoặc cùng được sở hữu, kiểm soát hoặc quản lý chung, có chung các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng, chiến lược kinh doanh, sử dụng chung thương hiệu, hoặc cùng chung một phần đáng kể nguồn lực chuyên môn. Big4, bao gồm PWC, Deloitte, E&Y và KPMG, là ví dụ điển hình cho mô hình công ty mạng lưới. Ngoài ra một số hãng kiểm toán đã có thành viên tại Việt Nam như Grant Thornton, BDO, RSM, Crowe Horwath,… cũng hoạt động dưới mô hình công ty mạng lưới.

Đặc điểm của mô hình công ty mạng lưới là tên của các hãng thành viên thường gắn với thương hiệu của hãng quốc tế. Ví dụ như Deloitte Việt Nam, E&Y Việt Nam, NexiaACPA, UHY Việt Nam hay Horwath DTL. Các hãng thành viên trong cùng mạng lưới đều được sử dụng logo và hình ảnh của hãng trong các hoạt động marketing của mình. Đồng thời, hãng thành viên cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hãng quốc tế mà mình là một thành viên trong mạng lưới. Do tính gắn kết chặt chẽ của nó, mô hình này cũng tạo ra rủi ro cho hãng quốc tế khi có bất kỳ xì căng đan hay vi phạm của các hãng thành viên trong cùng mạng lưới. Tuy nhiên, so với mô hình “một-hãng”, mô hình Công ty mạng lưới giảm thiểu rủi ro sụp đổ toàn cầu do tính độc lập tương đối của các hãng trong cùng mạng lưới.

Mô hình Hiệp hội các công ty uy tín (Associations)

Bên cạnh mô hình Công ty mạng lưới, mô hình Hiệp hội các công ty uy tín là rất phổ biến trong các hãng kiểm toán quốc tế. Các công ty kiểm toán có uy tín tại các quốc gia khác nhau tập hợp nhau lại và hoạt động dưới một tên chung. Đại diện cho mô hình này có thể kể đến Moore Stephens International, Kreston International, Integra International, IAPA, MGI, IGAF Worldwide, hay AGN International… Dưới dạng một hiệp hội, các hãng thành viên chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ đạt theo chuẩn của Hãng quốc tế và phát triển và giữ uy tín của hãng. Các hãng thành viên cũng có sự gắn kết chặt chẽ với nhau và được sự hỗ trợ đáng kể từ hãng quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chung thường nhiên, hội nghị toàn cầu hay hội nghị vùng, cũng như thông qua việc trao đổi nhân viên giữa các hãng. Thông thường các hãng thành viên vẫn giữ nguyên tên cũ của mình và quảng bá hình ảnh với tư cách là thành viên của hãng quốc tế. Tuy nhiên, cũng có một số hãng như MGI khuyến khích các hãng thành viên gắn tên MGI với tên hiện tại của hãng thành viên. [4]

Lợi thế của mô hình này là hãng thành viên vẫn hoạt động độc lập và ít chịu sự ảnh hưởng từ rủi ro hay sự sụp đổ của các hãng thành viên khác, cho dù uy tín ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Hãng thành viên vẫn được sử dụng logo và hình ảnh của hãng quốc tế khi quảng bá hình ảnh của mình với tư cách là thành viên chính thức, và cung cấp dịch vụ toàn cầu thông qua các hãng thành viên khác.

Mô hình Hiệp hội có thể phân chia thành hai loại. Thứ nhất, hãng quốc tế dưới dạng hiệp hội do một hãng kiểm toán lớn đứng ra thành lập. Ví dụ Moore Stephens International là do hãng Moore Stephens tại London, Anh đứng ra thành lập, Integra International là do hai hãng kiểm toán lớn thành lập tại Canada. Thứ hai, hãng quốc tế là các hiệp hội thuần tuý như IGAF Worldwide, IAPA. Bản thân tên của các hãng này cũng nói lên điều đó. IGAF viết tắt của cụm từ “International Group of Accounting Firms”, có nghĩa là “Nhóm quốc tế của các công ty kế toán, kiểm toán”. IAPA viết tắt của cụm từ “International Association of Practising Accountants”, có nghĩa là “Hiệp hội quốc tế của các kế toán hành nghề”. [4]

Mô hình Liên kết (Alliances, Organisations)

Mô hình Liên kết ít thấy hơn trong các hãng kiểm toán quốc tế. Vì thực chất mô hình này là sự liên kết của rất nhiều loại hình các công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như kiểm toán, tư vấn kế toán, tư vấn luật, tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn kinh doanh,… Đại diện cho mô hình này có thể kể đến Geneva Group International hay Alliot Group. Trong mô hình này, mối liên hệ giữa các hãng thành viên yếu hơn so với mô hình công ty mạng lưới và mô hình hiệp hội các công ty uy tín do các hãng thành viên hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ kế toán và kiểm toán. Thành viên chính thức của hãng quốc tế liên kết cũng được phép sử dụng logo và hình ảnh của hãng trong hoạt động quảng bá của mình. Hãng thành viên cũng không được mang tên của hãng quốc tế.[4]

Cấp độ thành viên của hãng kiểm toán quốc tế

Mỗi hãng kiểm toán quốc tế có chính sách thành viên khác nhau. Nhưng thông thường có thể chia ra làm ba cấp độ: Hãng thành viên (Member firm), Hãng liên kết (Associate firm) và Hãng đại diện liên lạc (Correspondent firm).

Theo công bố trên website của Praxity [5], một hãng hoạt động theo mô hình liên kết, các cấp độ trên được lựa chọn dựa trên các tiêu chí như:

  • Điều kiện tài chính
  • Chiến lược quốc tế
  • Vùng địa lý
  • Uy tín của hãng đăng ký
  • Khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng

Hãng thành viên (Member firm)

Những hãng được công nhận là hãng thành viên của hãng kiểm toán quốc tế có đầy đủ tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia vào mạng lưới, hiệp hội hay liên kết. Hãng thành viên được phép đại diện cho hãng quốc tế tại vùng địa lý được công nhận. Ví dụ như Deloitte Việt Nam sẽ đại diện cho Deloitte International tại Việt Nam bởi vì Deloitte Việt Nam được công nhận là hãng thành viên chính thức trong cùng mạng lưới của Deloitte International.

Hãng liên kết (Associate firm)

Hãng liên kết là cấp độ thấp hơn so với hãng thành viên. Tùy theo chính sách từng hãng quốc tế, hãng liên kết có thể sẽ bị hạn chế một số quyền lợi khi tham gia vào hãng quốc tế. Trong một số trường hợp hãng liên kết hoạt động trong lĩnh vực tương đối khác so với lĩnh vực chính của hãng quốc tế. Khi đó, hãng liên kết được công nhận tham gia vào mạng lưới hay hiệp hội nhằm đa dạng hoá dịch vụ cung cấp. Cấp độ hãng liên kết phổ biến hơn trong các hãng quốc tế hoạt động theo mô hình liên kết [5].

Hãng đại diện liên lạc (Correspondent firm)

Hãng đại diện liên lạc là cấp độ thấp nhất khi tham gia vào các hãng kiểm toán quốc tế. Ta có thể lấy quy chế về hãng đại diện liên lạc của Russell Bedford International (RBI), một hãng hoạt động theo mô hình Công ty Mạng lưới, để hiểu rõ hơn về cấp độ hãng đại diện liên lạc [6].

Khi nhận được đơn xin gia nhập của một hãng kiểm toán, sau thủ tục đánh giá nhận thấy hãng này chưa đủ điều kiện để công nhận là hãng thành viên, RBI có thể bổ nhiệm hãng trở thành hãng đại diện liên lạc. Có nghĩa là trong trường hợp một khách hàng muốn liên hệ với RBI tại khu vực lãnh thổ đó thì có thể liên lạc qua hãng đại diện liên lạc được bổ nhiệm.

Hãng đại diện liên lạc này không có quyền lợi như các hãng thành viên chính thức, không có quyền biểu quyết khi tham gia đại hội của RBI. Hãng đại diện liên lạc cũng không có quyền sử dụng logo hoặc hình ảnh của RBI trong các hoạt động quảng bá của mình. Trong trường hợp RBI nhận được một đơn xin gia nhập đủ điều kiện của một hãng khác có cùng vùng hoạt động thì quyền đại diện của hãng đại diện liên lạc cũng bị xoá bỏ. Tuy nhiên, mức phí thường niên của hãng đại diện liên lạc phải nộp cho RBI cũng rất thấp so với phí của thành viên chính thức.

Kết luận: Các thông tin trong bài viết này thu thập được qua quá trình nghiên cứu các hãng kiểm toán quốc tế nhằm mục đích xin gia nhập của tác giả. Hi vọng các thông tin trên có thể cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan về mô hình hoạt động của các hãng kiểm toán quốc tế. Từ đó, người sử dụng các thông tin này như các công ty kiểm toán nội địa, khách hàng kiểm toán, các ứng viên tìm việc cũng như các cơ quan quản lý có thể có đánh giá đúng đắn trong các quyết định có liên quan.

Phan Lê Thành Long

AFA Research & Education

Bài báo cáo trong Hội thảo phối hợp tổ chức giữa ACCA và VACPA, đăng trên Tạp chí Khoa học Kiểm toán.

PHỤ LỤC

Bảng sau đây so sánh ba mô hình trong một số tiêu chí quan trọng.

Tiêu chí Công ty mạng lưới Hiệp hội các công ty uy tín Liên kết
Được phép dùng tên hãng quốc tế Có thể nhưng hạn chế Không
Được phép sử dụng logo và hình ảnh của hãng quốc tế
Mối liên hệ giữa các hãng thành viên Rất chặt chẽ Chặt chẽ Vừa phải
Hỗ trợ kỹ thuật từ hãng quốc tế Rất tốt Tốt Vừa phải
Chương trình đào tạo thường niên
Yêu cầu chất lượng Rất cao Cao Cao
Kiểm soát chất lượng Chặt chẽ Chặt chẽ Vừa phải
Yêu cầu phí bảo hiểm nghề nghiệp Rất cao Cao Thấp
Phí thành viên Cao Cao Cao

(*) Nhận xét trên là đánh giá chủ quan của người viết. Đánh giá hợp lý các tiêu chí phụ thuộc vào từng hãng khác nhau và cần thông qua một nghiên cứu chuyên sâu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]: Theo nghiên cứu của Niece J.M and Gregory M.T (2005), “The Demise of Arthur Andersen’s One-Firm Concept: A Case Study in Corporate Governance”, Business and Society Review, Vol. 109, pp. 183-207, June 2004

[2]: Theo Báo cáo 30 Công ty mạng lưới và Hiệp hội của Tạp chí Kế toán Quốc tế (International Accounting Bulletin)

[3]: Chuẩn mực Kiểm toán quốc tế số 220 “Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính”

[4]: Websites của các hãng kiểm toán quốc tế như Moore Stephens, Integra, Kreston, MGI, IGAF, IAPA, AGN

[5]: Website của Praxity http://www.praxity.com/directory/Pages/home.aspx

[6]: Tài liệu Quy chế của Russel Bedford International

Nguồn tin: Khoa Kế toán - Tài chính(Sưu tầm)