Theo nhận định của các chuyên gia, cho dù nền kinh tế toàn cầu có suy giảm thì ngành Tài chính - Ngân hàng vẫn luôn khát nhân lực. Sự tăng trưởng "chóng mặt" của các ngân hàng trong và ngoài nước đang tạo hàng ngàn cơ hội việc làm cho bạn sinh viên mới tốt nghiệp.
1. Ngành Tài chính ngân hàng là gì?
Tài chính - Ngân hàng là một ngành khá là rộng. Ở rất nhiều nước thì ngành Tài chính - Ngân hàng và Kế toán thường đi kèm với nhau. Ngành học này liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ chính vì vậy nó có rất nhiều các lĩnh vực chuyên ngành hẹp mà tuy thuộc vào mục tiêu đào tạo của từng trường.
Ở Việt Nam thì tuỳ thuộc định hướng của từng trường mà sẽ chọn các chuyên ngành hẹp khác nhau. Có thể hoạt động theo lĩnh vực vĩ mô lẫn vi mô. Ở lĩnh vực vĩ mô thì sinh viên ra trường có thể làm việc tại các Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính. Nhiệm vụ của người tốt nghiệp ở lĩnh vực này là định hướng các chiến lược chính sách, chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khoá cho Chính Phủ. Nếu nói ở lĩnh vực này thì ngành Tài chính - Ngân hàng khá quan trọng. Nó liên quan đến hai hoạt động điều hành chính sách cơ bản đó là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.
Ở nước ta thì trong thời gian vừa qua việc điều hành chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá có ảnh hưởng rất lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy sẽ có rất nhiều triển vọng cho sinh viên theo học ngành này.
Có thể coi lưu chuyển tiền tệ giống như các mạch máu trong cơ thể vì nó có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động cho toàn bộ hệ thống chứ không phụ thuộc vào hiện tại như khủng hoảng tài chính thế giới nên triển vọng việc làm không bao giờ hạn hẹp. Ở lĩnh vực vĩ mô thì chúng ta có ngành liên quan mà nhiều trường đào tạo đó là Tài chính công.
Về mặt vi mô chúng ta có thể chia ngành Tài chính - Ngân hàng thành nhiều lĩnh vực khác nhau. Chuyên ngành quan trọng số 1 là chuyên ngành Tài chính. Hầu hết các khoa Tài chính - Ngân hàng ở các trường Đại học trên thế giới đều có chuyên ngành này. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có chuyên ngành Tài chính một cách đúng nghĩa mà thay vào đó là chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp. Chuyên ngành quan trọng số 2 là chuyên ngành Ngân hàng. Ở Việt Nam thì chúng ta hầu hết đào tạo chuyên ngành này.
Bên cạnh các chuyên ngành Tài chính và chuyên ngành Ngân hàng thì có rất nhiều chuyên ngành chuyên sâu khác. Chẳng hạn như, chuyên ngành Phân tích tài chính, kinh tế học tài chính…
80% Sinh viên chưa tốt nghiệp đã có việc làm
Theo kết quả đánh giá các chỉ số nhân lực của Công ty Tư vấn Navigos, chỉ tính riêng quý 2/2007, nhu cầu nhân lực kế toán, tài chính ngân hàng của ngành ngân hàng tăng trên 1.300 người, tăng 383%. Xét về tốc độ gia tăng của thị trường, nguồn nhân lực của ngành ngân hàng chiếm tỉ lệ tăng 57%, tiếp theo là kế toán, tài chính (42%).
Cơ hội cho người trẻ trong lĩnh vực ngân hàng là rất lớn
Tại Hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực ngành Tài chính - Ngân hàng theo nhu cầu xã hội được Bộ GD-ĐT chủ trì, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đưa ra dự báo: nhu cầu nguồn nhân lực của các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán và thẩm định giá khoảng 13.500 người.
Trong đó, lĩnh vực chứng khoán cần tới 5.000 người, tăng trên 500% so với hiện nay; nhu cầu nhân lực đối với ngành kiểm toán đứng thứ 2 với tốc độ tăng 103% so với hiện nay (khoảng 3.000 người); lĩnh vực thẩm định giá cũng được dự báo cần tới 500 người (tăng 20% so với hiện nay).
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng nhân sự cho ngành Ngân hàng đang thiếu khoảng 30.000 người.
Lượng “cung” thấp hơn “cầu” quá nhiều đã giúp hầu hết SV ngành Tài chính – Ngân hàng tuy chưa tốt nghiệp nhưng về mặt lý thuyết là đã chắc chắn có việc làm! Thậm chí, nhiều ngân hàng đã có chiến lược thu hút chất xám ngay từ khi SV còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo ông Đào Gia Hưng - PGĐ Khối tín dụng & Quản trị rủi ro NH Techcombank, tiêu chí tuyển dụng của nhiều NH hiện nay là: Ngoại trừ một số vị trí quản lý do yêu cầu công việc buộc phải đáp ứng, còn nhiều vị trí khác không yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm hoặc hiểu biết nhiều về lĩnh vực NH.
"Chúng tôi tuyển dụng những người năng động, thích ứng nhanh với công việc. Còn về kinh nghiệm, chúng tôi có thể đào tạo họ. Chính vì thế, khoảng 80% người được tuyển là SV vừa ra trường, thậm chí có cả những người sắp tốt nghiệp", ông nói.
Nhiều NH có chính sách tuyển dụng với đối tượng là SV có học lực khá, nhằm "thu hút" ngay khi còn chưa tốt nghiệp. NH Đông Á có chương trình tuyển dụng dành cho những SV khá giỏi sắp tốt nghiệp. SV năm thứ 3 hoặc thứ 4 có chuyên đề thực tập liên quan đến lĩnh vực ngân hàng có thể được tuyển dụng thực tập, tham gia vào các dự án thực tập của NH hoặc thử việc tại các bộ phận. SV cũng có thể tìm việc làm tại NH Đông Á theo hình thức tuyển dụng tạm thời (công việc thời vụ, bán thời gian hoặc làm CTV). Ngoài ra, NH cũng có hình thức tuyển dụng học việc từ 2 - 12 tháng.
Nhiều bạn SV năm thứ 3, thứ 4 đang thực tập tại VIB. Theo chị Nguyễn Thị Vân Anh, bộ phận Nhân sự của VIB, đối tượng tập trung chủ yếu vào các SV tốt nghiệp từ các trường ĐH các ngành kinh tế, NH, tài chính, ngoại thương, CNTT. "Thực tế, gần 80% CBNV của NH ở độ tuổi dưới 30, các bạn trẻ đang là lực lượng lao động nòng cốt của NH. Chúng tôi đánh giá cao các bạn SV mới tốt nghiệp về các kiến thức được trang bị từ nhà trường, về sức trẻ và sự năng động. Các bạn luôn có cơ hội dự tuyển vào VIB", chị Vân Anh cho biết.
Mỗi năm các ngân hàng cần khoảng 15.000 nhân viên tốt nghiệp đại học, nhưng các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 11.000 sinh viên. Vì thế, nếu tất cả sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng ra trường đáp ứng ngay được yêu cầu công việc thì cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Nguồn tin: Khoa Kế toán - Tài chính(sưu tầm)