Sinh viên kế toán và kế toán viên coi các quyển chế độ kế toán như Thông tư 200 là các cuốn cẩm nang gối đầu giường, và chỉ làm một việc đơn giản là mở ra để tham chiếu khi cần xử lý kế toán một giao dịch phát sinh...
Hệ thống kế toán tại Việt Nam
Hệ thống văn bản pháp quy về kế toán doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm song hành các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành thông qua các quyết định và thông tư hướng dẫn. Cho đến nay đã có 26 chuẩn mực kế toán được ban hành và áp dụng chính thức. 26 chuẩn mực này dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) đã có từ cuối những năm 1990s và đầu những năm 2000s. Bên cạnh đó, chế độ kế toán doanh nghiệp được thay đổi từ Quyết định 1141 năm 1995 cho đến Quyết định 15 và Quyết định 48 năm 2006 và bây giờ là Thông tư 200 áp dụng từ 01/01/2015.
Các chuẩn mực kế toán đưa ra các nguyên tắc (Principles) hướng dẫn người hành nghề áp dụng trong thực tiễn. Trong khi đó, các phiên bản khác nhau của chế độ kế toán doanh nghiệp đều đưa ra các quy định (Rules) rất là chi tiết bao gồm hướng dẫn các bút toán hạch toán cụ thể trong từng trường hợp. Thông tư 200 đưa ra các hướng dẫn chi tiết chế độ kế toán doanh nghiệp thông qua hướng dẫn chi tiết các bút toán đối với các giao dịch kinh tế chủ yếu. Chúng ta có thể hiểu rằng bên cạnh các bút toán hướng dẫn chi tiết này, người hành nghề có thể vận dụng các nguyên tắc kế toán để xử lý các giao dịch chưa được hướng dẫn. Tuy nhiên, thực tế hành nghề cho thấy, kế toán viên thường có tư duy “sách vở”, có nghĩa là khi phát sinh một giao dịch kinh tế, kế toán viên sẽ tham chiếu vào Thông tư 200 để hạch toán kế toán. Đối với một giao dịch kinh tế mà Thông tư 200 không có hướng dẫn chi tiết thì kế toán viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn để ghi vào sổ kế toán. Một hệ thống kế toán như Thông tư 200 có thể được gọi là “Hệ thống kế toán đồng bộ viết sẵn”
Qua quá trình đào tạo cho sinh viên kế toán và các kế toán viên cũng như quá trình kiểm toán cho rất nhiều doanh nghiệp, một điều có thể nhận thấy rằng các khái niệm rất cơ bản về kế toán như tài sản, nợ, vốn, thu nhập, chi phí cũng như các nguyên tắc kế toán dường như rất ít khi được tham chiếu và vận dụng. Kế toán viên gần như ít đọc và sử dụng các chuẩn mực kế toán trong công việc. Sinh viên kế toán và kế toán viên coi các quyển chế độ kế toán như Thông tư 200 là các cuốn cẩm nang gối đầu giường, và chỉ làm một việc đơn giản là mở ra để tham chiếu khi cần xử lý kế toán một giao dịch phát sinh. Trong một số hội thảo cho sinh viên kế toán tại trường đại học, có những chuyên gia khẳng định “như đinh đóng cột” rằng sinh viên chỉ cần thuộc lòng hệ thống tài khoản và các hướng dẫn trong chế độ kế toán là có thể trở thành kế toán viên giỏi.
Sự thay đổi của thị trường khiến kế toán “viết sẵn” phải thay đổi
Trong thực tế một giao dịch kế toán có thể nội hàm nhiều giao dịch khác nhau. Một ví dụ cơ bản, giao dịch thuê tài sản tài chính (financial lease) bao gồm hai giao dịch thuê vốn và giao dịch mua tài sản của bên đi thuê. Do đó, khi xử lý kế toán đối với giao dịch thuê tài sản tài chính cần xác định rõ bản chất của từng giao dịch đơn lẻ nội hàm trong đó. Trong thực tiễn, khi thị trường hàng hoá và tài chính phát triển, sẽ có rất nhiều các giao dịch mới phát sinh gồm nhiều bản chất phức tạp. Xử lý kế toán đối với các giao dịch mới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào xét đoán chuyên môn của các kế toán viên.
Với sự phát triển ngày càng phức tạp của thị trường, kế toán viên ngày càng có nhiều động lực để “phát minh” ra các giao dịch “sáng tạo” hơn. Theo đó, các giao dịch sẽ ngày càng bao gồm nhiều nội hàm với bản chất rất khác nhau. Như vậy, khi chúng ta đang sống trong một môi trường kinh doanh biến động hàng ngày, hàng giờ, một hệ thống kế toán đồng bộ viết sẵn sẽ có thể trở nên lạc hậu ngay từ thời điểm nó được ban hành khi không thể bao hàm được tất cả hoặc gần như tất cả các giao dịch kinh tế.
Ảnh hưởng đến sự phát triển thông tin kế toán trên thị trường
Nghiên cứu gần đây (1) cho thấy một hệ thống kế toán đồng bộ viết sẵn bỏ qua các thông lệ xã hội làm giảm hiệu quả của các báo cáo tài chính trong quản trị, và trong việc cung cấp thông tin cho thị trường chứng khoán.
Trong một bài phỏng vấn gần đây (2), ông Đỗ MẠNH CƯỜNG, ủy viên HĐTV Phó tổng giám đốc Hãng Kiểm toán AASC chỉ ra “vấn nạn” chạy đua giảm giá phí tại các công ty kiểm toán, bao gồm cả 4 hãng kiểm toán lớn Big4. Thực chất, không khó để trả lời câu hỏi “Tại sao” đối với tình trạng “chiến tranh giá phí” trong ngành kiểm toán như hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính là khả năng tạo sự khác biệt về chất lượng dịch vụ trong ngành kiểm toán là rất thấp. Khách hàng rất khó phân biệt giữa kiểm toán viên giỏi, trung bình và yếu kém, khó phân biệt công ty kiểm toán có chất lượng dịch vụ tốt, trung bình và thấp. Nếu có sự phân biệt, có chăng là sự phân biệt giữa sử dụng dịch vụ kiểm toán của Big4 với các công ty còn lại, chủ yếu vì danh tiếng. Trong khi các Big4 lại cạnh tranh với nhau một cách gay gắt và thị trường cũng không phân biệt được chất lượng giữa các công ty trong nhóm Big4. Nguyên nhân có thể là do áp dụng một hệ thống kế toán đồng bộ viết sẵn đã hằn sâu vào tâm lý của người hành nghề tại Việt Nam nhiều năm qua. Chỉ cần tham chiếu vào các hướng dẫn hạch toán cụ thể và cách thức lập báo cáo tài chính trong chế độ kế toán là có thể hành nghề, mức độ xét đoán chuyên môn của các kế toán viên bị thị trường coi nhẹ. Nhiều trường hợp, giao dịch kinh tế có bản chất ngược với các giao dịch tương đồng trong chế độ kế toán nhưng có hình thức tương tự thì thường bị các kế toán lợi dụng nhằm bóp méo thông tin số liệu kế toán. Thị trường chỉ cần người đọc chế độ kế toán là đủ.
Ảnh hưởng đến sự phát triển của nghề nghiệp
Cũng nghiên cứu trên cho thấy một hệ thống kế toán đồng bộ viết sẵn không khuyến khích sự tranh luận trong các chương trình đào tạo kế toán và như thế làm giảm khả năng xét đoán chuyên môn của người hành nghề kế toán. Hệ thống này cũng khuyến khích tư duy “sách vở” đối với người hành nghề kế toán chuyên nghiệp và như thế nghề kế toán cũng dần dần mất đi khả năng thu thút nhân tài.
Hệ thống kế toán đồng bộ viết sẵn đề cao tính tham chiếu, thúc đẩy cách thức hành nghề theo quy định chi tiết của văn bản pháp quy mà coi nhẹ và không khuyến khích sự tranh luận chuyên môn qua các tình huống thực tế trong học tập, đồng thời gần như loại bỏ tầm quan trọng của các nghiên cứu kế toán trong thực tiễn. Và như thế “người tài” cũng sẽ không chọn “nghề kế toán” là điểm đến vì rất ít cơ hội cho họ phát huy khả năng và tạo sự khác biệt.
Các nhà tuyển dụng thường phàn nàn về chất lượng đào tạo đại học khiến cho sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu công việc và không thể bắt tay ngay vào thực tế công việc, khiến cho họ phải bỏ rất nhiều chi phí để đào tạo lại. Đối với sinh viên kế toán, thực ra lỗi hoàn toàn không phải do cách thức giảng dạy của nhà trường cũng như bản thân sinh viên. Một phần rất lớn là do một hệ thống kế toán viết sẵn cứng nhắc. Với hơn 500 trang của Thông tư 200, nhà trường và sinh viên phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để có thể học để áp dụng. Khi đó, sinh viên không có đủ nguồn lực để học kế toán một cách đúng nghĩa, tức là trả lời câu hỏi “Làm kế toán trong thực tiễn là như thế nào?”.
Một nghiên cứu khác (3) được thực hiện dựa trên đào tạo sinh viên kế toán tại một quốc gia phát triển áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRSs) là Úc, một quốc gia phát triển chưa áp dụng IFRSs là Mỹ, và một quốc gia đang phát triển đang áp dụng kết hợp với IFRSs là Rumani. Kết quả cho thấy tăng cường đào tạo kế toán dựa trên các nguyên tắc kế toán như IFRSs (Một hệ thống dựa trên các nguyên tắc – Principles-based system), dựa trên kinh nghiệm thực tế và dựa trên các bài tập tình huống (case study) sẽ cho kết quả tốt hơn.
Đào tạo kế toán dựa trên bài tập tình huống
Một nghiên cứu (4) về áp dụng các bài tập tình huống trong giảng dạy kế toán được thực hiện đối với các sinh viên kế toán. Nghiên cứu đưa ra bài kiểm tra trước khoá học kế toán dựa trên tình huống (Problem-based Training) và kiểm tra đối với sinh viên sau khoá học. Kết quả cho thấy hơn nửa số sinh viên yếu ban đầu đã cho kết quả cải thiện đáng kể trong kiến thức kế toán. Những sinh viên giỏi cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ hơn về kiến thức, đặc biệt kiến thức kế toán trong thực tiễn, so với sinh viên trung bình.
Với những nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục chuyên nghiệp (Professional Education) trong kế toán, kiểm toán và tài chính, nhiều năm qua AFA Research & Education đã cho ra đời những chương trình đào tạo danh tiếng với phương pháp dựa trên đánh giá tình huống với sự chia sẻ của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm. Phương pháp này cũng cho thấy kết quả rất khả quan trong việc thay đổi cách thức học, cách tiếp cận của các sinh viên kế toán và những kế toán, kiểm toán viên dưới 5 năm kinh nghiệm. Hai chương trình mà AFA đang áp dụng rất thành công khi đào tạo rất nhiều kiểm toán, kế toán viên giỏi trong nghề là Kiểm toán viên Chuyên nghiệp (Professional Auditors - PA) và sắp tới là Chuyên gia Kế toán (Certified Accounting Specialists - CAS).
Ghi chú:
(1) Synder. S, (2010) “Adverse effects of uniform written reporting standards on accounting practice, education, and research”, Journal of Accounting and Public Policy, Volume 29, Issue 2, Pages 99-194 (March–April 2010)
(2) “Hội nhập, kiểm toán Việt chủ động làm mới mình” http://vacpa.org.vn/index.php?o=modules&n=forum&f=forum_detail&idforum=853
(3) Jacklin, B et al (2012) “SomeImplications of IFRS Adoption for Accounting Education”, Australian Accounting Review, Volume 22, Issue 4, pages 331–340, December 2012
(4) Hsu, C, et al “Effectiveness of problem-based learning in the accounting courses”
Nguồn tin: Khoa Kế toán - Tài chính(Sưu tầm)