Tìm hiểu nghề kiểm toán

Kiểm toán là một hoạt động kiểm tra nhằm xác minh tính trung thực và hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo tài chính trong những tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm bảo đảm việc tuân thủ các chuẩn mực và quy định pháp luật hiện hành. Và người làm công việc này thường được gọi là kiểm toán viên.

Trình độ học vấn

Tìm hiểu nghề kiểm toán

Kiểm toán là một ngành yêu cầu bằng cấp cao. Ảnh: internet

Thông thường, để trở thành kiểm toán viên, bạn cần tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Một số bằng cấp như chứng chỉ kiểm toán viên quốc gia do bộ Tài chính cấp, chứng chỉ hội viên của Hội Kế toán viên Công chứng Vương quốc Anh ACCA, chứng chỉ Kiểm toán viên độc lập của Hoa Kỳ CPA, chứng chỉ CA và CPA của Australia... cũng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.

Chương trình học

Bạn có thể theo học tại các trường đại học, cao đẳng, chẳng hạn như trường Đại học Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương...

Tuy nhiên, kiểm toán là một ngành nghề yêu cầu bằng cấp nên nếu có khả năng, hãy tiếp tục tham gia các khóa đào tạo khác về kiểm toán.

Môi trường làm việc

Một số kiểm toán viên làm việc ở bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty, một số khác làm việc ở các công ty dịch vụ, tư vấn hoặc trong các cơ quan kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, ở môi trường nào cũng thường xuyên làm việc trong môi trường có áp lực cao, đi công tác và phải va chạm với nhiều người, nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Hơn nữa, để hoàn thành công viec đúng thời hạn, kiểm toán viên cũng phải tập trung, làm việc hiệu quả, vận dụng hết năng lực, óc tư duy và sáng tạo.

Mặt khác, vì được va chạm nhiều nên các bạn trẻ khi theo đuổi nghề này có cơ hội học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, phát triển và trưởng thành nhanh chóng hơn.

Những tố chất cần thiết

Tìm hiểu nghề kiểm toán

Để trở thành kiểm toán viên, bạn cần rèn luyện khả năng làm việc theo nhóm. Ảnh: internet

Kiểm toán đôi khi không phải là công việc của một cá nhân mà của cả tập thể. Do đó, khả năng phối hợp, làm việc theo nhóm là hoàn toàn cần thiết. Vì đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán thường tin cậy vào người trực tiếp kiểm toán. Vì thế, kiểm toán viên cần có khả năng giao tiếp để thuyết phục người nghe nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Trong quá trình làm việc, giữa kiểm toán và khách hàng hay có những quan điểm không giống nhau, đôi khi trái ngược hoàn toàn. Thế nên, nếu muốn trở thành kiểm toán viên, bạn cần rèn luyện khả năng suy nghĩ, tư duy logic để lựa chọn giải pháp và hướng xử lý vấn đề phù hợp nhất.

Các công việc của kiểm toán viên

Cho dù là nhân viên kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ hay kiểm toán nhà nước thì nhìn chung, họ đều phải thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Phân tích mục tiêu, giới hạn, tài liệu để lên kế hoạch các công việc cần phải làm.

2. Xác định số lượng và thứ tự các bước cần thực hiện để xây dựng một chương trình kiểm toán thích hợp.

3. Thu thập thông tin bằng các phương pháp kiểm toán như kiểm toán cân đối, đối chiếu trực tiếp, đối chiếu logic, kiểm kê, điều tra...

4. Ghi chép đầy đủ những nhận định về các con số, sự kiện, tài liệu...

5. Sau quá trình điều tra, phân tích, kiểm toán viên đưa ra những kết luận khái quát về báo cáo tài chính của tổ chức, doanh nghiệp.

Triển vọng nghề nghiệp

Theo thống kế của Hội Kiểm toán viên Hành nghề Việt Nam VACPA, tính đến nay, Việt Nam chỉ có hơn 160 công ty kiểm toán độc lập nhưng lại có đến 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động nên lượng khách hàng tiềm năng trong thời gian sắp tới sẽ rất dồi dào.

Mức lương khởi điểm của kiểm toán viên tương đối cao và sẽ còn cao hơn nữa khi làm việc tại các công ty kiểm toán nước ngoài. Nếu theo đuổi ngành nghề này lâu dài, bạn sẽ có thể trở thành quản lý cấp cao trong lĩnh vực việc làm kiểm toán, kế toán, tài chính…

Sưu tầm