Các công ty tài chính và ngân hàng (NH) đang tung ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng. Song người vay cần thận trọng để khỏi vướng "bẫy" lãi suất.
Cuộc cạnh tranh giành thị phần tín dụng tiêu dùng đang nóng dần khi các NH, công ty tài chính trong và ngoài nước đang rầm rộ đưa ra các chương trình ưu đãi cho vay tiêu dùng. Chỉ trong một ngày chị Thúy Anh (Q.8, TP.HCM) nhận được cả 5 cuộc điện thoại chào mời vay tiêu dùng.
Cụ thể, với thu nhập 15 triệu đồng/tháng, khách hàng sẽ được vay hạn mức 300 triệu đồng trong 4 năm, mỗi tháng người vay sẽ trả 9,5 triệu đồng (cả lãi và gốc).
Nhẩm tính, nếu vay 4 năm thì khoản lãi suất phải trả là 156 triệu đồng (748.000 đồng/tháng tiền lãi). Trong đó, lãi suất 1,08%/tháng tính trên dư nợ ban đầu. Tính ra tiền lãi khách hàng phải trả trong 4 năm hơn phân nửa tiền gốc vay.
Xét về điều kiện, Prudential Finance tạo ra nhiều cơ hội cho người vay hơn vì chỉ cần CMND, bằng lái xe, hộ khẩu, sao kê lương 3 - 6 tháng. Khách hàng chỉ cần thu nhập 4 triệu đồng trở lên đã được vay 6 - 10 lần lương. Còn nếu thu nhập từ 15 triệu đồng, hạn mức tín chấp lên tới 400 triệu đồng.
Lãi suất dao động theo lương 1,2 - 1,6%/tháng trên dư nợ ban đầu, thời gian vay 12 - 48 tháng. Còn tính trên dư nợ giảm dần thì lãi suất 1,9 - 2,46%/năm.
Home Credit, FE Credit, ACS... cũng đang liên kết với nhiều cửa hàng điện thoại, xe máy, siêu thị... cung ứng kịp thời về vốn tiêu dùng khi khách hàng có nhu cầu mua sắm cao. Chứng tỏ lợi thế tiền nhiều, những công ty trên cho biết sẽ giải ngân trong vòng 10 - 15 phút.
Thực tế, điều này ngay lập tức hấp dẫn được rất nhiều người tiêu dùng có nhu cầu "xài sang". Khi được hỏi quy trình, các nhân viên đều nhấn mạnh chuyện vay vốn "rất dễ dàng". Lãi suất cho vay tùy theo từng món hàng, và cũng tùy từng công ty tài chính chứ không có mức lãi suất sàn cho các khoản vay.
Đơn cử, lãi suất vay được FE Credit tính khoảng 1,37%/tháng, tính trên dư nợ ban đầu. Còn Home Credit tính lãi suất vay tiêu dùng tín chấp trả góp dao động 1,68%/tháng, nhưng khách hàng phải có thu nhập lương cơ bản (không tính tổng thu nhập) 10 triệu đồng/tháng trở lên.
Còn nếu khách hàng không đáp ứng được yêu cầu này thì lãi suất là 4 - 5%/tháng trên dư nợ giảm dần. Riêng với ACS không tính lãi suất mà tính phí trả chậm, với mức 2,5 - 3%/tháng.
Về lý thuyết, lãi suất cho vay được quy định rõ ràng, nhưng đối với các khoản vay dài hạn, lãi suất phát sinh là điều không tránh khỏi. Theo đó, nếu không thận trọng, người vay sẽ dễ phải trả lãi suất ưu đãi khá cao. Ví dụ, trường hợp chào mời chị Thúy Anh như vừa kể.
Tại Prudential Finance mức phí phạt trả trước là 2%/dư nợ còn lại; tại FE Credit, phí phạt trả trước cũng được tính 2% trên dư nợ còn lại. Vì thế, lời khuyên được đưa ra từ các chuyên gia tài chính, khi có nhu cầu về tín dụng tiêu dùng, người vay phải hỏi chi tiết về lãi suất và phí phạt trả nợ trước hạn khi có nguồn tài chính dôi dư để tránh "bút sa gà chết".
Hiện không chỉ các công ty tài chính mà NH cũng cạnh tranh không kém cho vay tiêu dùng. Trước tình hình tín dụng doanh nghiệp khó khăn, các NH đang đẩy mạnh vốn cho vay tiêu dùng, với lãi suất được chào mời ở mức thấp, cực "sốc".
Cụ thể, VIB có gói tiêu dùng lãi suất 0,68%/tháng cố định trong 2,5 năm và sau thời gian này lãi suất được tính bằng lãi suất kỳ hạn tiết kiệm 13 tháng, cộng biên độ 4%. Còn tại OCB lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng mức 9,99%/năm cố định 3 năm, sau đó cộng biên độ 4%.
Tuy nhiên, để tiếp cận được vốn tiêu dùng lãi suất ưu đãi trên tại các NH, không phải ai cũng có thể đáp ứng được. Đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp, công nhân sẽ rất khó tiếp cận được vốn từ ngân hàng, dù lãi suất thấp nên đành tìm đến công ty tài chính.
Thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, hạn mức tín dụng từ thấp đến cao, đáp ứng đủ nhu cầu vốn của khách hàng, nhưng không cần tài sản thế chấp được xem là lợi thế đặc biệt để các tổ chức tài chính "hút" người dân vay vốn tiêu dùng. Thế nhưng, không thận trọng dễ bị mắc "bẫy" lãi suất, vì tín dụng tiêu dùng thường vay dễ, nhưng khó trả nợ.
Nguồn tin: Khoa Kế toán - Tài chính(Sưu tầm)